Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Hiệp hội VATAP: Chủ động tuyên truyền và đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái

Năm 2007, theo kiến nghị của Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), Chính phủ đã đồng ý chọn ngày 29/11 hằng năm là Ngày Phòng chống hàng giả, hàng nhái.

Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam, Nguyễn Đăng Sinh
Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam, Nguyễn Đăng Sinh

Xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm

Tại Công văn số 6512/VPCP-VI, ngày 12/11/2007 về việc đồng ý chọn ngày 29/11 hằng năm là Ngày Phòng chống hàng giả, hàng nhái, Chính phủ giao Hiệp hội VATAP chủ động phối hợp với các bộ, ngành hữu quan có chương trình hành động cụ thể, thiết thực đối với hoạt động này.

Đây là hoạt động thường niên nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cũng như đưa ra các chương trình hành động cụ thể trong công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người tiêu dùng và cộng đồng xã hội về công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Thưc tế, những năm qua, Hiệp hội VATAP đã tích cực phối hợp cùng các cơ quan chức năng, đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đấu tranh có hiệu quả trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Ngày 16/11/2011, Văn phòng Chính phủ ra Thông báo số 278/TB-VPCP. Trong đó, có nội dung yêu cầu: 

“Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương, có biện pháp thiết thực, phù hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp tham gia chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu.

Hiệp hội có trách nhiệm khuyến khích, vận động các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ lực các lượng chức năng xác định hàng thật, hàng giả; cung cấp thông tin để phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các mặt hàng phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, rượu, mỹ phẩm, thực phẩm…”.

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch Hiệp hội VATAP Nguyễn Đăng Sinh cho biết, từ khi thành lập (năm 2004) đến nay, Hiệp hội VATAP luôn xác định: Chống hàng giả, hàng nhái là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục.

Theo đó, Hiệp hội VATAP đã thể hiện vai trò của mình trong việc bám sát từng ngành hàng, nhóm hàng, những hoạt động phù hợp với yêu cầu của từng hội viên, đồng thời thực hiện nhiệm vụ nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác này.

Hiệp hội luôn bám sát những nội dung chỉ đạo của Chính phủ để định hướng hoạt động của mình; đã chuyển hàng trăm hồ sơ về hàng giả, hàng nhái của doanh nghiệp hội viên tới các cơ quan thực thi để can thiệp, xử lý những vi phạm.

Hiệp hội thực hiện những chương trình phối hợp cụ thể, thiết thực với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hội viên trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng tích cực kêu gọi các hội viên hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, theo nội dung Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ… 

Tích cực đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái

Tháng 2/2014, Hiệp hội VATAP và Cục Quản lý thị trường (nay là Tổng cục Quản lý thị trường) đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện về chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại. Đây là nhiệm vụ chính trị, hoạt động thường xuyên, liên tục của 2 đơn vị, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hiệp hội đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài nước về công tác chống hàng giả, hàng nhái; tổ chức mở các lớp tập huấn về phân biệt hàng thật, hàng giả; ký kết với nhiều đại lý cam kết không bán hàng giả, hàng kém chất lượng, thu được những kết quả khả quan, được khách hàng và các nhà sản xuất đánh giá cao.

Hiện nay, vấn nạn sản xuất, buôn bán phân bón giả, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, bà con nông dân, tổn hại đến năng suất cây trồng, cũng như nền sản xuất nông nghiệp nước nhà. Qua khảo sát thị trường, Hiệp hội phát hiện một số sản phẩm thuốc thú y, thuốc nuôi trồng thủy sản bị làm giả, làm nhái, lưu thông tại miền Tây Nam Bộ.

Để đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn này, Hiệp hội đã có các buổi làm việc trực tiếp với một số chi cục thú y để từ đó có những đề xuất, kiến nghị trong việc sản xuất phải bảo đảm chất lượng, an toàn (GMP). Đơn vị đã trình nhiều văn bản kiến nghị lên Chính phủ và Bộ NN&PTNT liên quan vấn đề trên.  

Trên cơ sở đề xuất những giải pháp của Hiệp hội VATAP, Chính phủ đã có những chỉ đạo cụ thể; các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, kịp thời xử lý những vi phạm.

Trước tình trạng trên thị trường xuất hiện  nhóm đối tượng có hành vi chiếm dụng vỏ bình gas và sang chiết gas trái phép, Hiệp hội VATAP đã chủ động phối hợp với một số doanh nghiệp sản xuất gas kiến nghị Chính phủ, các cơ quan quản lý có văn bản chỉ đạo xử lý những vi phạm.

Hiệp hội cũng phối hợp với một số doanh nghiệp của Đan Mạch tại Việt Nam về công tác chống hàng giả là đồ chơi thông minh Lego; phối hợp tổ chức Hội thảo phân biệt hàng thật - hàng giả về đồ chơi Lego.

Nhờ đó, các cơ quan chức năng đã tổ chức kiểm tra các mặt hàng đồ chơi Lego trên thị trường, tạo điều kiện để lực lượng hải quan ngăn chặn, xử lý đồ chơi Lego giả ngay từ khu vực biên giới, cửa khẩu trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.

Hiệp hội VATAP phối hợp tổ chức kỷ niệm Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái (năm 2020)
Hiệp hội VATAP phối hợp tổ chức kỷ niệm ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái (năm 2020)

Góp phần bảo vệ và phát triển thương hiệu doanh nghiệp

Ông Nguyễn Đăng Sinh nhấn mạnh:

“Đến nay, Hiệp hội VATAP đã kết nạp hàng trăm hội viên là các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác nhau tham gia và hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, Hiệp hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, tích cực tham gia, triển khai thực hiện nhiều hoạt động đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, cũng như xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hội viên.

Để phối hợp đấu tranh có hiệu quả công tác chống hàng giả, hàng nhái, Hiệp hội luôn tích cực phối hợp với các lực lượng thực thi (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, lực lượng quản lý thị trường, công an, hải quan, biên phòng…) và các doanh nghiệp nhằm nắm bắt thông tin về các thủ đoạn làm hàng giả, hàng nhái, vận chuyển, phân phối, những đặc điểm nhận biết về hàng giả để lực lượng chức năng có thêm cơ sở truy quét, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Hiệp hội tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí, thường xuyên tuyên truyền, đấu tranh, phòng ngừa sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại, chú trọng các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhằm tạo bước chuyển biến và hiệu ứng tích cực trên thị trường.

Mặt khác, Hiệp hội tuyên truyền cho hội viên thực hiện đầy đủ việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, nguồn gốc xuất xứ; nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật, nâng cao ý thức tự bảo vệ thương hiệu sản phẩm, hàng hóa của mình, bảo đảm chất lượng đối với công bố, chịu trách nhiệm trước pháp luật, sản phẩm, hàng hóa do doanh nghiệp mình sản xuất, kinh doanh.

Các hội viên không chỉ gương mẫu chấp hành tốt quy định của pháp luật, mà còn hợp tác với lực lượng thực thi trong công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái; sẵn sàng phát hiện, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng để xử lý vi phạm.

Đơn vị cũng chủ động góp ý tham gia xây dựng cơ chế, chính sách và đề xuất các giải pháp, kiến nghị liên quan đến công tác giám định hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; kiến nghị những biện pháp, giải pháp về kinh phí phục vụ công tác chống hàng giả, kinh phí tiêu hủy hàng giả, tem chống hàng giả, làm giả mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp...

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa vi phạm
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa vi phạm

Thực hiện tốt các quy định của pháp luật

Hằng năm, theo định kỳ, Hiệp hội chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương và doanh nghiệp tổ chức Kỷ niệm Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái (29/11), Ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4)… Những hoạt động này, được các đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng và đánh giá cao.

Trước tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, để bảo đảm công tác phòng chống dịch, năm 2021, Hiệp hội VATAP không tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái (29/11).

Nhằm thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả trong tình hình mới, Hiệp hội kêu gọi các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hội viên:  

Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và các địa phương về công tác phòng chống dịch; tuân thủ thông điệp 5K trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tích cực thực hiện tốt các quy định của pháp luật, không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Các doanh nghiệp hội viên cần nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu, bảo vệ quyền lợi của khách hàng; tích cực phối hợp với cơ quan thực thi, nhất là trong công tác giám sát thị trường, quản lý tốt hệ thống phân phối. 

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các cơ quan chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan liên quan...

Hiệp hội kêu gọi các doanh nghiệp và doanh nhân chủ động xây dựng, giữ gìn và phát triển thương hiệu, đề cao lương tâm và trách nhiệm, vì lợi ích quốc gia - nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Với những hoạt động cụ thể, thiệt thức và hiệu quả, trong suốt chặng đường hơn 17 năm qua, Hiệp hội VATAP đã không ngừng kiện toàn bộ máy tổ chức, sửa đổi điều lệ hoạt động cho phù hợp với tình hình mới.

Hiệp hội đã thể hiện tốt vai trò là cầu nối, hỗ trợ hội viên - tập hợp những ý kiến, nguyện vọng, phản ánh của các doanh nghiệp gửi đến các cấp chính quyền để cùng nhau kiến tạo những giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo sự kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước…

Nguyễn Kiên

Bài liên quan

Tin mới

Long An đấu thầu tìm nhà đầu tư cho dự án hơn 11.000 tỷ đồng.
Long An đấu thầu tìm nhà đầu tư cho dự án hơn 11.000 tỷ đồng.

Dự án có diện tích gần 215 ha. Quy mô dân số khoảng 30.681 người. Tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng.

Long An phê duyệt khu công nghiệp 466 ha
Long An phê duyệt khu công nghiệp 466 ha

Vừa qua, HĐND tỉnh Long An đã có quyết nghị thống nhất thông qua đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỉ lệ 1/2.000 khu công nghiệp (KCN) Lộc Giang ở khu vực giáp ranh với TP.HCM, Tây Ninh.

Hơn 20,5 triệu cổ phiếu Tập đoàn Tiến Thịnh sẽ giao dịch trên UPCoM trong ngày 2/8
Hơn 20,5 triệu cổ phiếu Tập đoàn Tiến Thịnh sẽ giao dịch trên UPCoM trong ngày 2/8

Ngày 2/8, hơn 20,5 triệu cổ phiếu TT6 của Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Thịnh vừa được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chấp thuận đưa vào giao dịch trên thị trường UPCoM tại HNX, với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 10.400 đồng/cổ phiếu.

Cấm bay một năm đối với hành khách tung tin có lựu đạn trong hành lý
Cấm bay một năm đối với hành khách tung tin có lựu đạn trong hành lý

Ngày 27/7, tin từ Cục Hàng không Việt Nam, đơn vị đã ra quyết định cấm vận chuyển bằng đường hàng không có thời hạn và áp dụng biện pháp kiểm tra trực quan bắt buộc đối với hành khách tung tin có lựu đạn trong vali tại sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Sơn La kêu gọi đầu tư dự án nhà ở 2.500 tỷ đồng
Sơn La kêu gọi đầu tư dự án nhà ở 2.500 tỷ đồng

Diện tích khu đất dự án khoảng 38,7ha, dự kiến thực hiện tại xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu.

Thu ngân sách 7 tháng năm 2024 của Nghệ An đạt 13.456 tỷ đồng
Thu ngân sách 7 tháng năm 2024 của Nghệ An đạt 13.456 tỷ đồng

Trong tháng 7/2024, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An ước đạt 1.300,5 tỷ đồng, đưa tổng thu ngân sách 7 tháng đầu năm lên 13.456 tỷ đồng, tương đương 84,6% dự toán và tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước.