Tạm ngưng hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng kể từ ngày 20/4
việc tạm ngưng hoạt động khai thác cát là thực hiện theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhằm bảo đảm chất lượng hồ cấp nước sinh hoạt cho Tây Ninh, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời rà soát, đánh giá tình hình khai thác cát, báo cáo về Bộ.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan và các đơn vị khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng thực hiện các nội dung sau: tạm ngưng hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng kể từ ngày 20.4 (thời gian tối thiểu 2 tháng). Việc khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng chỉ được tiến hành trở lại khi được UBND tỉnh thông báo xác định hoạt động khai thác cát không gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước và đáp ứng các quy định của Luật Thuỷ lợi, quy định về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Tạm ngưng hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng kể từ ngày 20/4
UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát, đánh giá lại tình hình hoạt động khai thác cát, báo cáo kết quả kiểm tra và dự thảo báo cáo cho Bộ NN&PTNT gửi về UBND tỉnh trước ngày 10.5.2019.
Trước đó, ngày 11.4.2019, Bộ NN&PTNT có Công văn số 2508/BNN-TCTL gửi UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước về việc tạm dừng hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng.
Theo công văn này, ngày 10.4.2019, Bộ NN&PTNT đã chủ trì, phối hợp với UBND hai tỉnh Tây Ninh và Bình Dương kiểm tra công tác quản lý khai thác hồ Dầu Tiếng. Tại thời điểm kiểm tra, mực nước hồ đang ở cao trình +20,36m, đang diễn ra hoạt động khai thác cát trong lòng hồ, gây ảnh hưởng đến chất lượng nước hồ cấp cho sinh hoạt của Tây Ninh, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh.
Do đó, sau khi thống nhất với các đơn vị có liên quan, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương thông báo tạm ngừng hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng nhằm bảo đảm chất lượng nước cấp cho sinh hoạt và các dịch vụ thuỷ lợi khác. Thời gian tạm dừng tối thiểu là 1 tháng.
Giá cát có dấu hiệu khan hiếm bất thường
Mặc dù đến chiều ngày 18.4.2019, UBND tỉnh Tây Ninh mới ký ban hành công văn về việc tạm ngưng hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng, nhưng trước đó vài ngày tại các mỏ khai thác cát khu vực lòng hồ Dầu Tiếng có hiện tượng bán cát cầm chừng nên cát trở nên khan hiếm, dẫn đến tăng giá cao.
Một chủ cửa hàng vật liệu xây dựng cho biết, việc khai thác cát xây dựng tại hồ Dầu Tiếng sắp tới có thể tạm ngưng một thời gian. Vì vậy không loại trừ khả năng các chủ bãi cát cố tình “ghim hàng” chờ đến khi có chủ trương tạm ngưng khai thác sẽ đẩy giá bán cát lên cao. Trong thực tế, khoảng 5 ngày qua, chủ các bãi cát rất hạn chế bán hàng, thậm chí có doanh nghiệp khai thác cát ngừng hẳn việc bán cát.
“Tôi được biết đang có chủ trương kiểm tra phương tiện hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng. Tại tỉnh hiện nay cũng chưa có bất kỳ thông tin nào về việc cấm khai thác cát hoặc cấm bán cát. Đồng thời, thị trường cát không có sự biến động nào. Thế nhưng, như đã từng diễn ra nhiều lần, mỗi khi có đoàn kiểm tra trong hồ Dầu Tiếng là y như rằng các doanh nghiệp khai thác cát hạn chế hoặc dừng hẳn việc bán cát.
Và ngay sau đó vài ngày, giá cát tăng cao do khan hiếm. Khi giá cát tăng lên đến đỉnh điểm thì các doanh nghiệp mới chịu bán. Tình trạng này cứ lặp đi lặp lại khiến người dân có nhu cầu xây dựng và các đơn vị thi công khổ sở vì chi phí vật tư tăng cao. Hiện tại, tôi mua cát tại một bãi trong khu vực hồ Dầu Tiếng với giá 300.000 đồng một mét khối, trong khi vài ngày trước đó chỉ có giá 220.000 đồng”- một nhà thầu xây dựng ở Tân Châu bức xúc phản ánh.
Theo ghi nhận của phóng viên ngày 16.4.2019, việc mua bán cát tại các bãi cát trong hồ Dầu Tiếng vẫn diễn ra nhưng không còn nhộn nhịp như trước. Con đường 781 chạy ven theo bờ hồ thỉnh thoảng mới thấy một chiếc xe chở cát lưu thông. Trong khi trước đó khoảng 1 tuần, con đường này có rất nhiều xe chở cát ngược xuôi.
Chủ một mỏ cát trong khu vực hồ Dầu Tiếng cho biết, những ngày qua ông vẫn bán cát cho các cửa hàng vật liệu xây dựng là “mối quen”, giá bán vẫn theo quy định của UBND tỉnh là 245.000 đồng/m3. Chủ mỏ cát này cũng cho biết, những ngày qua, dư luận dấy lên thông tin về việc tạm ngưng khai thác cát trong khu vực hồ Dầu Tiếng, nhưng các doanh nghiệp chưa nhận được văn bản chính thức nào về vấn đề này của cơ quan có thẩm quyền. “Cũng có thể có việc đầu nậu tung tin cấm khai thác cát với mục đích tạo sốt ảo khiến giá cát lên cao rồi tung ra bán để trục lợi” - người này cho biết thêm.
Trong khi đó, trả lời phóng viên về nguyên nhân bãi cát này trở nên “hiu quạnh” vào ngày 16.4, chủ một bãi cát khác trong khu vực hồ Dầu Tiếng cho biết “vẫn hoạt động bình thường nhưng do hôm nay xe cẩu xúc cát bị hư nên không thể xúc cát bán cho khách hàng”!?
Theo phóng viên ghi nhận, quanh các tuyến đường lớn xung quanh khu vực hồ Dầu Tiếng thuộc hai huyện Dương Minh Châu và Tân Châu hiện có nhiều bãi chứa cát xây dựng rất lớn. Một số người trong lĩnh vực này cho rằng có thể số cát trên đang được trữ lại chờ giá cao mới bán.
Do đó mà dư luận băn khoăn: phải chăng trước thông tin về việc sắp cấm khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng nên có tình trạng đầu nậu đã tranh thủ thu gom cát để đầu cơ? “Người dân hy vọng chính quyền có những giải pháp hiệu quả trong quản lý giá cát xây dựng những ngày tới, tránh gây sốt ảo, gây tăng giá đột biến sẽ gây tác động tiêu cực đến người dân, nhất là người nghèo như đã từng xảy ra.
Và tình trạng thổi giá, găm hàng như này, liệu có tao cơ hội cho cát tặc lộng hành như thời gian vừa qua hay không?
Trong khi đó, cát hồ Dầu Tiếng được đánh giá là có chất lượng tốt nhất so với cát được khai thác trên sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn và cát đưa từ miền Tây về. Cát hồ Dầu Tiếng không những ít tạp chất mà hạt to hơn cát sông, rất phù hợp cho yêu cầu về chất lượng bê tông trong các công trình xây dựng, nhất là các công trình lớn. Do đó mà nhu cầu về cát hồ Dầu Tiếng rất cao dù giá đắt hơn đáng kể so với cát sông.
Hải Đăng