Hoạt động này nhằm hoàn thiện các văn bản quản lý chỉ dẫn địa lý (CDĐL) theo quy định và phù hợp với thực tế tại địa phương và lựa chọn được phương án mẫu logo đảm bảo thể hiện được đặc trưng của sản phẩm nước mắm Nam Ô cũng như giá trị truyền thống của sản phẩm.
Làng nghề nước mắm Nam Ô giữ một vai trò quan trọng trong bảo tồn di sản của Thành phố Đà Nẵng nói riêng và của quốc gia nói chung. Việc sản phẩm nước mắm Nam Ô được bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên thị trường sẽ mang lại lợi ích xã hội rất lớn, đó là việc người tiêu dùng sẽ biết đến sản phẩm nước mắm có từ rất lâu đời được tạo ra với đôi bàn tay khéo léo, trí sáng tạo độc đáo và bí quyết truyền đời của người dân làng Nam Ô. Ngoài ra, đây còn là động lực thúc đẩy cho sự phát triển của các hệ thống thương mại, du lịch sinh thái gắn với du lịch di tích trên địa bàn.
Hội thảo có sự tham gia của các sở ban ngành, cơ quan quản lý tại địa phương và đặc biệt có sự tham gia của Hội làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô, sự tham gia của các hội viên của làng nghề là những người trực tiếp sau này sẽ là đối tượng áp dụng hệ thống các văn bản quản lý và sử dụng logo hệ thống nhận diện nước mắm Nam Ô trong quá trình sản xuất và kinh doanh.
Phát biểu khai mạc, bà Lê Thị Thục – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng cho biết: Nước mắm Nam Ô đã có danh tiếng lâu đời và đã được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể nước mắm Nam Ô cho Hội làng nghề truyền thống Nước mắm Nam Ô từ năm 2009 và ngày 27/8/2019, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 2974/QĐ-BVHTTDL công nhận Di sản phi vật thể quốc gia cho nghề làm nước mắm Nam Ô. Đồng thời mong muốn nhận được nhiều ý kiến trao đổi của từ các đại biểu tham gia về các văn bản quản lý chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” và phương án logo “Nước mắm Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm Nam Ô, góp phần tạo dựng thương hiệu, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của nghề sản xuất nước mắm Nam Ô, nâng cao giá trị và danh tiếng của sản phẩm nước mắm Nam Ô làm cơ sở cho sự phát triển thị trường sản phẩm trong thời gian tới.
Theo đó, nhằm Thực hiện Quyết định số 3330/QĐ-BKHCN ngày 21/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phê duyệt tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm và thời gian thực hiện nhiệm vụ “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nước mắm Nam Ô của thành phố Đà Nẵng” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 bắt đầu thực hiện năm 2022 và Hợp đồng giao thực hiện nhiệm vụ thuộc Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ số SHTT.TW.16-2022 ngày 01/4/2022 giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng về việc thực hiện nhiệm vụ “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cho sản phẩm nước mắm Nam Ô của thành phố Đà Nẵng”.
Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng đã xây dựng hệ thống các văn bản, công cụ quản lý CDĐL, kiểm soát chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, bao gồm: (1) Phương án tổ chức quản lý và sử dụng CDĐL “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm Nam Ô của Thành phố Đà Nẵng; (2) Quy chế quản lý và sử dụng CDĐL “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm của Thành phố Đà Nẵng; (3) Tài liệu hướng dẫn cấp, sửa đổi, gia hạn và thu hồi quyền sử dụng CDĐL; (4)Tài liệu hướng dẫn cấp, quản lý và sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm nước mắm Nam Ô CDĐL nước mắm Nam Ô mang CDĐL; (5) Tài liệu hướng dẫn kiểm soát chất lượng sản phẩm mang CDĐL nước mắm Nam Ô mang CDĐL; (6) Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mang CDĐL và Thiết kế các mẫu logo “Nước mắm Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm Nam Ô của thành phố Đà Nẵng.
Trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra 2 phiên chuyên đề. Phiên thứ nhất: Phương án Logo chỉ dẫn địa lý nước “Nước mắm Nam Ô”. Phiên thứ hai: Phương án tổ chức quản lý và sử dụng CDĐL; hệ thống các văn bản quản lý CDĐL, kiểm soát chất lượng và nguồn gốc sản phẩm.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi thiết thực từ đại biểu để hoàn thiện các văn bản quản lý và lựa chọn được phương án logo phù hợp đảm bảo tính đặc trưng và mang giá trị truyền thống của sản phẩm.
Buổi Hội thảo kết thúc thành công tốt đẹp với sự đánh giá cao của đại biểu tham dự và đi đến lấy ý kiến thống nhất logo cho sản phẩm nước nắm Nam Ô của các Hội viên làng nghề. Đây sẽ là cơ sở để cơ quan chủ trì nhiệm vụ tiến hành chỉnh sửa, hoàn thiện các văn bản quản lý chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” và đặc biệt là phương án logo “Nước mắm Nam Ô”.
Nguyễn Quỳnh