Toạ đàm "Góp ý cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 29/10
Thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư, Trưởng ban tổ chức cuộc tọa đàm, cho biết: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng, đặc biệt ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết 55 đã thể hiện nhiều điểm mới về chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển năng lượng quốc gia, trong đó xác định: "Ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch”.
Theo TS. Tuấn, với quan điểm mới và hệ thống các nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ, Nghị quyết 55 ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị được đông đảo các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đón nhận và kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá mới cho phát triển ngành năng lượng Việt Nam trong thập kỷ tới, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Trên thực tế từ vài năm trở lại đây việc đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thống kê của Viện nghiên cứu của BIDV cho thấy, nếu năm 2016 tổng công suất lắp đặt năng lượng tái tạo mới đạt khoảng 303 MW thì năm 2020 tổng công suất ước tăng gấp hơn 20 lần, đạt khoảng 7.000 MW.
Dự báo trong thời gian tới, đầu tư vào các dự án điện gió và điện mặt trời sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện cả nước đã có 187 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất khoảng 11.687 MW và 137 dự án điện mặt trời với tổng công suất 13.618 MW đã được bổ sung quy hoạch; 312 dự án điện gió với tổng công suất 78.035 MW và 331 dự án điện mặt trời với công suất 336.581 MW đang được các địa phương đề xuất phát triển.
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Theo kết quả khảo sát của các viện nghiên cứu độc lập, cũng như phản ánh của các nhà đầu tư, đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo hiện đang gặp không ít khó khăn vướng mắc.
Cụ thể, Luật Điện lực quy định độc quyền nhà nước về truyền tải điện làm hạn chế xã hội hoá đầu tư vào lĩnh vực này. Sự thiếu đồng bộ của hệ thống truyền tải điện gây khó khăn cho các dự án sản xuất điện trong việc đấu nối, không giải toả hết công suất, buộc giảm sản lượng điện, giảm doanh thu bán điện làm cho phương án tài chính của dự án không đảm bảo như tính toán ban đầu.
Các quyết định về mức giá mua điện có thời hạn, hiệu lực quá ngắn chỉ trong khoảng 2 năm nên các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc tính toán hiệu quả đầu tư khi lập dự án. Việc chưa rõ cơ chế, chính sách áp dụng sau năm 2020 khiến các nhà đầu tư không an tâm đầu tư.
Cơ chế mua bán điện hiện nay vẫn là cơ chế độc quyền do chưa vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Về nguồn vốn cho các dự án, hiện chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, trong khi hệ thống ngân hàng thương mại chưa có định hướng cụ thể về cho vay phát triển năng lượng tái tạo mà chủ yếu thực hiện thông qua tín dụng xanh. Các ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong cho vay đầu tư phát triển năng lượng tái tạo do bị khống chế tỷ lệ cho vay trung và dài hạn. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, lãi suất ngân hàng đối với các dự án năng lượng tái tạo quá cao khoảng 10 – 11,5%/năm làm giảm hiệu quả đầu tư của dự án. Việc vay vốn nước ngoài có lãi suất thấp hơn, nhưng không được nhà nước bảo lãnh nên không thể thực hiện…
Một vấn đề khác, đang được đặt ra đối với cơ quan quản lý nhà nước, đó là không ít dự án đầu tư vào lĩnh vực điện gió và mặt trời được cấp phép hoặc ngay khi vừa hoàn thành đã được chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài, trong khi luật pháp có các quy định khác nhau đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong việc tiếp cận thị trường đối với các ngành nghề lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, cũng như đối với các địa bàn, khu vực có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, mặc dù đã đạt được những bước phát triển đột phá, tuy nhiên, hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện, luật điện lực còn nhiều bất cập như quy định độc quyền nhà nước về truyền tải điện, do đó hạn chế thu hút xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực này, luật NLTT cũng chưa được ban hành như các quốc gia trên thế giới để khẳng định chính sách phát triển ổn định NLTT của Việt Nam trong tương lai.
Không những vậy, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển NLTT thời gian qua chủ yếu phụ thuộc vào mức giá mua điện, tuy nhiên thời hạn hiệu lực của các quyết định thường khá ngắn chỉ trong khoảng 2 năm (và không gia hạn ngay cả các trường hợp bất khả kháng như dịch bệnh Covid-19 vừa qua).
Theo ông Lực, bản thân cơ chế giá điện cũng cần hoàn thiện theo hướng sát hơn, có tầm nhìn hơn và kịp thời hơn, cũng như tính hiệu lực của nó nhằm đảm bảo hạn chế hiện tượng lách luật hoặc trục lợi chính sách.
Đừng để đường cao tốc thành đường làng xã…
Theo ông Nguyễn Ngọc Tân, thành viên HĐTV, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), chiến lược phát triển đến năm 2030, sản lượng điện của Việt Nam phải đạt từ 550 - 600 tỷ KWh, so với hiện tại là tăng gấp 3 lần. Do vậy, để đáp ứng được yêu cầu truyền tải điện thì nhu cầu đầu tư là rất lớn. Do đó, nhà đầu tư tư nhân hoàn toàn có thể tham gia và phát triển được.
"Tuy nhiên, đừng để đường cao tốc thành đường làng xã. Bởi càng nhiều thành phần tham gia vào hệ thống truyền tải điện thì mức độ nguy cơ sự cố càng lớn", ông Nguyễn Ngọc Tân nói.
Về quy hoạch điện, ông Tuân cho rằng, không nên cứng nhắc theo quy hoạch bởi sẽ rất khó làm cho truyền tải điện và cũng gây khó cho nhà đàu tư. Do đó, ông Tân cho rằng quy hoạch điện phải là quy hoạch động để phù hợp.
"Vì sao tư nhân làm được mà nhà nước không làm được? Điều này liên quan tới cơ chế thu hút vốn đầu tư. Trong khi doanh nghiệp tư nhân muốn được như doanh nghiệp nhà nước thì ngược lại doanh nghiệp nhà nước lại muốn được như doanh nghiệp tư nhân để tự do thu hút vốn", ông Tân đặt vấn đề.
Còn về bài toán nguồn vốn cho các dự án NLTT, TS. Lực cho rằng, cần tranh thủ nguồn vốn xã hội hoá vào lĩnh vực NLTT trong đó đặc biệt xem xét thúc đẩy tốc độ hoàn thiện hạ tầng truyền tải điện đồng bộ với quy hoạch phát triển các dự án NLTT; cho phép xã hội hóa 1 phần khâu truyền tải điện và phân phối trực tiếp.
Cần tiếp tục tìm kiếm nguồn lực tài trợ, vốn ODA từ các tổ chức quốc tế như ADB, WB, IMF, các nhà tài trợ khác, các tổ chức phát triển NLTT quốc tế uy tín về cả vốn và trợ giúp kỹ thuật.
Đồng thời, cần nghiên cứu ưu tiên một phần nguồn vốn ngân sách nhất định dành cho phát triển NLTT trong một số lĩnh vực cụ thể như phát triển quỹ năng lượng bền vững, đầu tư hạ tầng cơ sở truyền tải điện, đào tạo kỹ thuật, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tái định cư cho người dân tại các vùng dự án. Ngân hàng nhà nước cần xây dựng các chính sách khuyến khích tín dụng NLTT mạnh mẽ hơn như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc tăng cho vay tái cấp vốn cho các TCTD có tỷ lệ dư nợ tín dụng NLTT cao; điều chỉnh trọng số rủi ro đối với dư nợ tín dụng NLTT xuống thấp hơn tín dụng thương mại khác.
Về mặt hoàn thiện thể chế, theo GS. TSKH. Nguyễn Mại, với quy mô dự án và vốn đầu tư vào NLTT ngày càng lớn đang đòi hỏi nhanh chóng rà soát các văn bản pháp lý cps liên quan để sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh tạo hành lang pháp lý đủ thông thoáng, hấp dẫn, chặt chẽ từ việc lập và sửa đổi quy hoạch, sử dụng đất đai có hiệu quả theo hướng hạn chế dùng đất nông nghiệp, chủ yếu dùng đất đồi và mặt nước. Xây dựng danh mục dự án, lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đầu tư, hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án và thanh tra, giám sát thực hiện đúng pháp luật.
Ngoài ra, cần cân nhắc việc xây dựng Luật Khuyến khích đầu tư, phát triển NLTT để giải quyết các vấn đề bất cập phát sinh không thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản pháp luật cũng như bổ sung cơ chết đấu thầu cạnh tranh điện mặt trời, điện gió và cơ chế mua bán điện trực tiếp.
Bùi Quyền