Nhiều giải pháp ứng phó với phòng vệ thương mại

Theo đó, Bộ Công Thương đang rà soát, nghiên cứu, giải trình, hoàn thiện Hồ sơ xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp PVTM để trình Chính phủ.

Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh, triển khai các chương trình, đề án lớn phục vụ công tác thực thi, sử dụng và ứng phó với các biện pháp PVTM để bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu, bao gồm: Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp PVTM nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2025 (theo Quyết định số 755/QĐ-BCT ngày 28/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương); Triển khai một số hoạt động của Bộ Công Thương nhằm nâng cao năng lực PVTM cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (theo Quyết định số 1347/QĐ-BCT ngày 19/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương); Đề án Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ (theo Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ);

Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về PVTM (theo Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 1/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ); Đề án Nâng cao năng lực PVTM trong bối cảnh tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (theo Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 2/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ); Đề án Thúc đẩy công tác đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường trong các vụ việc PVTM (theo Quyết định số 1335/QĐ-TTg ngày 10/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ).

Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PVTM tiếp tục được đẩy mạnh triển khai thực hiện. Trong tháng 11/2024, đã có 19 tin/bài được đăng tải trên trang thông tin điện tử với trên 3.300 lượt truy cập, đồng thời phát hành 4 số bản tin Phòng vệ thương mại và Cảnh báo sớm hàng tuần, 1 số bản tin giấy Phòng vệ thương mại. Tiếp tục đăng tải tin/bài, trả lời phỏng vấn/phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến các vụ việc PVTM cho các ngành sản xuất trong nước và cơ quan truyền thông, tham gia họp báo thường kỳ của Bộ.

Thường xuyên thông tin về PVTM qua mục điểm tin hàng ngày; hoàn thiện trang thông tin điện tử bằng tiếng Anh nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu về cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác quản lý nhà nước về PVTM. Đồng thời, thường xuyên đăng tải bản tin cảnh báo sớm, cập nhật danh mục cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra PVTM và lẩn tránh thuế trên trang điện tử nhằm kịp thời cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, hiệp hội, các cơ quan, tổ chức liên quan.

Hoàn thiện hệ thống pháp lý, thể chế về phòng vệ thương mại, từ đó bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu
Hoàn thiện hệ thống pháp lý, thể chế về phòng vệ thương mại, từ đó bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu

Những kết quả tích cực

Về công tác khởi kiện: Trước bối cảnh nhiều hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá hoặc được trợ cấp gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số ngành sản xuất trong nước, công tác khởi kiện, điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ hợp pháp các ngành sản xuất trong nước.

Tính đến nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 30 vụ việc PVTM và đã áp dụng 22 biện pháp với hàng hóa nhập khẩu; hiện đang có 16 biện pháp PVTM có hiệu lực. Năm 2024, Bộ Công Thương tiếp tục điều tra, rà soát 7 vụ việc đã khởi xướng trong năm 2023; khởi xướng điều tra 3 vụ việc mới, khởi xướng rà soát 3 vụ việc rà soát cuối kỳ; tiếp nhận và xử lý 7 hồ sơ đề nghị điều tra và rà soát mới.

Về công tác kháng kiện: Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp PVTM để ứng phó với các vụ việc PVTM do nước ngoài điều tra và áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đến nay, đã có 270 vụ việc điều tra PVTM từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (148 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (54 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp PVTM (38 vụ việc) và chống trợ cấp (30 vụ việc).

Năm 2024, trong số 28 vụ việc PVTM bị nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam mới phát sinh của 12 thị trường, có tới 13 vụ việc từ thị trường Hoa Kỳ. Bộ Công Thương đã kịp thời hoàn tất điều tra một số vụ việc PVTM khởi xướng từ năm 2023 và rà soát việc áp dụng biện pháp PVTM đòi hỏi xử lý trong năm 2024. Cùng sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã hỗ trợ trong việc cung cấp thông tin hướng dẫn trả lời bản câu hỏi; nghiên cứu lập luận tại các giai đoạn cụ thể của từng vụ việc; đồng thời, nghiên cứu các kết luận và gửi thư tham vấn với cơ quan điều tra nước ngoài.

Bộ Công Thương đã cập nhật danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra PVTM, chống lẩn tránh PVTM (danh sách cập nhật vào tháng cuối hàng quý) gửi các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để phối hợp theo dõi.

Công tác cảnh báo sớm cũng như hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc PVTM do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua đã đem lại một số kết quả tích cực. Nhờ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế PVTM hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Minh Anh