Tham dự, có ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan cùng hơn 70 hội viên là các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Sau thời gian dài tổ chức vận động, đặc biệt là được sự cho phép của UBND tỉnh, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) tỉnh Gia Lai chính thức được thành lập. Đây được xem là bước đi “đột phá” đánh dấu sự nỗ lực của ngành Công thương, sự chung tay cộng đồng trách nhiệm của một số tổ chức, cá nhân liên quan nhằm nâng cao trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng (NTD), bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Gia Lai: Đại hội lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2018-2023) - Hình 1

Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Gia Lai Đại hội lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2018-2023)

Là người dành nhiều tâm huyết góp phần quan trọng thúc đẩy việc thành lập Hội BVQLNTD, ông Bùi Khắc Quang-Giám đốc Sở Công thương cho rằng: "Tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm Luật sở hữu trí tuệ hiện vẫn còn diễn biến phức tạp; thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi. Vấn đề này không chỉ tồn tại một ngành, một lĩnh vực mà lan rộng khắp nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và có mặt khắp mọi nơi. Trong khi đó, trình độ hiểu biết về hàng hóa tiêu dùng của người dân còn hạn chế, nhiều đối tượng lợi dụng để kinh doanh gian dối… “Vì thế, thành lập Hội BVQLNTD là việc hết sức cần thiết và cấp bách, nhất là trong xu thế hội nhập kinh tế Quốc tế hiện nay. Đứng trước tình hình này, Sở đã kiến nghị với UBND tỉnh về việc thành lập Hội BVQLNTD và được tỉnh phê duyệt (theo Quyết định 490/QĐ-UBND tỉnh, ngày 27/4/2018). Song song đó, Ban vận động thành lập Hội cũng đã vận động được hơn 70 tổ chức, cá nhân tham gia, đủ điều kiện để tổ chức Đại hội (nhiệm kỳ 2018-2023)”- ông Bùi Khắc Quang nhấn mạnh.

Trên thực tế, dù Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng đã ra đời nhiều năm và được tuyên truyền rộng rãi, nhưng vẫn còn nhiều NTD chưa nhận biết đầy đủ được quyền lợi của mình khi đi mua sắm và quyền lợi chính đáng đó được pháp luật bảo vệ. Thậm chí, một số trường hợp ngại va chạm nên khi gặp vấn đề không khiếu nại hoặc dễ dàng thỏa hiệp...

Việt Nam hiện có Hội Tiêu chuẩn và BVQLNTD Việt Nam, một số tỉnh, thành phố lớn cũng đã thành lập Hội BVQLNTD và hoạt động rất hiệu quả. Do đó, khi Gia Lai thành lập Hội BVQLNTD được người dân ủng hộ rất cao. Bà Trương Bích Chi (đường Nguyễn Trung Thành, TP. Pleiku) phấn khởi: “Tôi đã từng rất bức xúc khi mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả, song cũng chỉ “tặc lưỡi” cho qua, bởi chẳng biết khiếu nại thế nào?. Nhưng nếu bây giờ gặp phải, chắc chắn tôi sẽ nhờ Hội BVQLNTD tỉnh bảo vệ quyền lợi cho mình”.

Còn theo ông Bùi Quốc Bình-Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku, tham gia Hội BVQLNTD, sẽ giúp đơn vị sâu sát hơn trong việc tiếp cận khách hàng. Thông qua đó, năm bắt rõ hơn tình hình, nhất là khi có kiến nghị từ khách hàng. Đây cũng là cơ sở để Siêu thị làm việc với các nhà cung cấp, nhà sản xuất nhằm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.

Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Gia Lai: Đại hội lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2018-2023) - Hình 2

Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Gia Lai ra mắt 

Không chỉ vậy, việc thành lập Hội BVQLNTD còn có chức năng hỗ trợ, bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong các trường hợp đối thủ bị giả mạo sản phẩm, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… Bởi theo ông Bùi Khắc Quang, việc thành lập Hội BVQLNTD tỉnh có ý nghĩa rất lớn, không chỉ đơn thuần là đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho NTD mà còn thực hiện tuyên truyền, phổ biến kiến thức và nâng cao kỹ năng nhận biết về hàng giả, hàng kém chất lượng cho NTD... Qua đó, thúc đẩy tiêu dùng, góp phần quảng bá, bảo vệ cho đơn vị sản xuất chân chính, phát triển kinh tế ổn định và bền vững.                               

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng đánh giá cao vai trò của Hội Bảo quyền lợi người tiêu dùng đối với xã hội. Đây là cánh tay đắc lực cho cơ quan nhà nước, là cầu nối giữa người tiêu dùng với doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước…  Để Hội hoạt động hiệu quả trong thời gian tới, ông đề nghị Ban chấp hành Hội cần thảo luận kỹ, ban hành điều lệ Hội phù hợp với các quy định của pháp luật, sát thực tế, tổ chức bộ máy của Hội đảm bảo tinh gọn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Hội trong tình hình mới. Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội thành chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ hoạt động thường xuyên để triển khai thực hiện đạt kết quả. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng trong việc nắm bắt, khiếu nại những hành vi gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Phát động phong trào bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách phong phú, đa dạng, tránh hình thức, lãng phí... nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về lợi ích, trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Hội gồm 21 thành viên, ông Nguyễn Tấn Thành-Nguyên Phó Giám đốc Sở Công thương được bầu làm Chủ tịch Hội; Ban kiểm tra với 5 thành viên, ông RCom Jen-Chánh Thanh tra Sở Công thương làm Trưởng ban.

Kim Yến