Hội trại Dinh dưỡng- Đái tháo đường 2018: Khám, tư vấn dinh dưỡng miễn phí cho gần 1.200 người - Hình 1

PGS.TS Tạ Văn Bình- Chủ tịch Hội người Giáo dục bệnh Đái tháo đường Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Đái tháo đường phát biểu tại Hội trại.

Hội trại Dinh dưỡng Đái tháo đường lần 3 được tổ chức tại Trung tâm Y tế quận Hà Đông (Hà Nội). Tại đây, PGS. TS Tạ Văn Bình – Nguyên Giám đốc bệnh viện Nội tiết Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa (ĐH Y Hà Nội), Chủ tịch Hội người Giáo dục bệnh Đái tháo đường Việt Nam và các chuyên gia đầu ngành đã khám, tư vấn cung cấp các kiến thức bổ ích về phòng ngừa, kiểm soát bệnh ĐTĐ cho khoảng 1.200 người, trong đó, có nhiều trẻ em.

Hội trại Dinh dưỡng- Đái tháo đường 2018: Khám, tư vấn dinh dưỡng miễn phí cho gần 1.200 người - Hình 2

Hội trại Dinh dưỡng- Đái tháo đường 2018: Khám, tư vấn dinh dưỡng miễn phí cho gần 1.200 người - Hình 3

Đo đường huyết miễn phí cho người dân tham dự chương trình

Theo ước tính năm 2017, của Liên đoàn Đái tháo đường (ĐTĐ) Thế giới (International Diabetes Federation – IDF) số người mắc ĐTĐ đã lên tới 415 triệu người. Dự báo đến năm 2030, con số này sẽ lên tới trên 600 triệu người.

Hiện nay, có hơn 199 triệu phụ nữ mắc đái tháo đường trên thế giới, con số này dự kiến sẽ tăng lên 313 triệu vào năm 2040. Trong đó, có khoảng 10-15% trẻ em mắc bệnh trên tổng số bệnh nhân ĐTĐ. Tình trạng trẻ hóa người bệnh ĐTĐ đang gia tăng nhanh, trẻ mắc ĐTĐ có những chế độ ăn uống sinh hoạt riêng nên dễ mặc cảm, khó hòa nhập với cộng đồng. Trẻ mắc ĐTĐ rất cần có một chương trình đồng hành, hướng dẫn và giúp trẻ mắc bệnh vui sống và hòa nhập với cộng đồng.

Hội trại Dinh dưỡng- Đái tháo đường 2018: Khám, tư vấn dinh dưỡng miễn phí cho gần 1.200 người - Hình 4

Khám mắt, tầm soát bệnh võng mạc đái tháo đường- thủ phạm gây mù lòa từ biến chứng bệnh đái tháo đường

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh ĐTĐ. Con số này dự báo tăng lên 6,1 triệu vào năm 2040. Mặc dù, cả nước hiện có 3,5 triệu người (độ tuổi từ 20-79) mắc bệnh này nhưng có tới 69,9% không biết mình bị bệnh. 85% chỉ phát hiện ra bệnh khi đã có biến chứng nguy hiểm như: tim mạch, suy thận, thần kinh, biến chứng bàn chân đái tháo đường… Có đến 80% người bệnh đái tháo đường chết do biến chứng tim mạch. Bên cạnh đó, họ có nguy cơ bị tai biến mạch máu não cao hơn người bình thường 2-4 lần. 20% người bệnh đái tháo đường bị bệnh thận, gây suy thận, có thể phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.

Hội trại Dinh dưỡng- Đái tháo đường 2018: Khám, tư vấn dinh dưỡng miễn phí cho gần 1.200 người - Hình 5

Tọa đàm về bệnh Đái tháo đường với sự tham gia của các gia đình bệnh nhi bị đái tháo đường

Hội trại Dinh dưỡng- Đái tháo đường 2018: Khám, tư vấn dinh dưỡng miễn phí cho gần 1.200 người - Hình 6

Hội trại còn giới thiệu hàng loạt các sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh Đái tháo đường hiệu quả

Việt Nam được xếp nằm trong 10 quốc gia có tỷ lệ gia tăng bệnh nhân đái tháo đường cao nhất thế giới với tỷ lệ bệnh nhân tăng 5,5% mỗi năm. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế cả nước mới có chỉ có 28,9% người bệnh bị đái tháo đường được quản lý tại các cơ sở y tế, trong khi số chưa được quản lý theo số liệu thống kê mới nhất năm 2015 là 71,1%.

ĐTĐ thực sự là căn bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, việc tầm soát, phát hiện sớm bệnh ĐTĐ giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả cao nhất, kiểm soát, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm. “Hội người giáo dục bệnh Đái tháo đường Việt Nam” không chỉ mong muốn góp phần giúp cộng đồng nâng cao nhận thức, hiểu biết, có kiến thức phòng ngừa bệnh đái tháo đường. Hơn hết, qua chương trình đặc biệt cung cấp kiến thức bổ ích phòng ngừa đái tháo đường ở trẻ em, kiểm soát biến chứng đái tháo đường ở bệnh nhi”, PGS.TS Tạ Văn Bình chia sẻ.

Lê An