Mới nhất, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ - FED đã nâng lãi suất quỹ liên bang thêm 0,75 điểm phần trăm lên mức 3,75-4%, cao nhất kể từ tháng 01/2008. Đây là lần tăng lãi suất thứ thứ của Mỹ trong năm nay, biện pháp đã không được dùng đến trong nhiều thập niên.

Những thay đổi của chính sách tiền tệ thế giới sẽ có tác động lớn đến Việt Nam bởi độ mở của nền kinh tế cao tới 200% GDP, trong khi sức chống chịu và khả năng cạnh tranh vẫn còn có những hạn chế.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa, ảnh internet
Hơn 70% hợp đồng mua bán quốc tế của Việt Nam là được thanh toán bằng đồng USD. Ảnh chỉ có tính chất minh họa, ảnh internet.

Theo thống kê, có tới hơn 70% hợp đồng mua bán quốc tế của Việt Nam là được thanh toán bằng đồng USD. Do đó, bất cứ biến động nào của tỷ giá cũng đều tác động trực tiếp lên doanh nghiệp có hoạt động mua bán với nước ngoài. Việc giữ một mặt bằng lãi suất và tỷ giá tương đối ổn định trong suốt thời gian qua đã góp phần tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh, hầu khắp các ngân hàng Trung ương trên thế giới đều tăng mạnh lãi suất, mức tăng 1% mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện và nới biên độ tỷ giá giữa đồng VND/USD có thể thích ứng hiệu quả với những diễn biến của kinh tế thế giới.

Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực chỉ ra, những tác động đến kinh tế Việt Nam khi đồng USD tăng giá mạnh trong thời gian vừa qua đã tác động đến mặt bằng lãi suất, nhất là mặt bằng ngoại tệ bằng USD đã và đang tăng lên. Từ thực tế dẫn đến tác động thứ hai là khiến cho nghĩa vụ trả nợ trong bối cảnh nợ công toàn cầu hiện nay đang ở mức tương đối cao khoảng 100% GDP.

Tác động thứ ba đó là đối với tỷ giá, giá trị đồng USD tăng mạnh thời quan vừa qua trong bối cảnh tăng lãi suất sẽ khiến đồng nội tệ của nhiều nước bị mất giá so với đồng USD. “Tác động cuối cùng liên quan đến việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư đó là sẽ có khá nhiều khoản đầu tư quay lại thị trường Mỹ và Châu Âu - nơi mà lãi suất tăng lên và rủi ro chấp nhận được. Với Việt Nam, tác động cũng có nhưng ít hơn do được dự báo triển vọng phục hồi tương đối tích cực”, TS. Cấn Văn Lực phân tích.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, không chỉ có nới biên độ tỷ giá, NHNN đã sử dụng hàng loạt chính sách linh động, bao gồm dự trữ ngoại hối, nghiệp vụ trên thị trường mở, tín phiếu và lãi suất…

“Tất cả sự điều chỉnh như vậy của NHNN, tôi cho rằng có thể điều tiết để chuẩn bị cho những tháng căng thẳng cuối năm, từ cuộc chạy đua tăng lãi suất và sức ép căng thẳng giữa đồng Việt Nam và USD. Chúng ta thấy rõ ràng dòng vốn sẽ có sự bất ổn, lãi suất thực của đồng Việt Nam sẽ co hẹp về biên độ, khiến NHNN cần cân nhắc giữa yếu tố lãi suất và tỷ giá”, TS. Nguyễn Quốc Việt nhận định.

Các chuyên gia phân tích, tỷ giá hối đoái tăng thường có lợi cho nhà xuất khẩu, ngược lại bất lợi cho nhập khẩu do hàng hóa từ bên ngoài sẽ trở nên đắt hơn. Đây là điều thường xuyên xảy ra trên thương trường. Tuy nhiên, yếu tố tỷ giá hối đoái tác động cung cầu xuất nhập khẩu của Việt Nam không lớn, vì có sự trung hoà giá trị gia tăng thấp của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp nhập khẩu muốn hạn chế rủi ro tỷ giá trong những tháng tới đây nên tham gia thị trường mua ngoại tệ kỳ hạn hoặc quyền chọn, hoặc tham gia vào thị trường phái sinh nào đó để bảo vệ đồng tiền.

Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, việc nới biên độ tỷ giá tác động rất nhiều chiều cạnh từ lạm phát, lãi suất, xuất nhập khẩu, thanh toán nợ, nhất là nợ nước ngoài. Tuy nhiên, điểm cân bằng mới này đã nằm trong tính toán để vừa đảm bảo tăng năng lực cạnh tranh cho hàng hoá, vừa không gây tác động tiêu cực lớn lên lạm phát và nhập khẩu.

Từ đầu năm tới nay, trong bối cảnh đồng tiền nhiều nước mất giá rất mạnh so với đồng USD, đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế thì "ổn định không có nghĩa là cố định" mà phải theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp với biến động của thế giới. Mục tiêu là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, vẫn tiếp tục là ưu tiên xuyên suốt, lâu dài.

Nguyễn Vân Quỳnh (t/h)