Năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triên nông thôn thực hiện hiệu quả Chương trình Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, nhất là 06 chương trình chuyên đề chuyên sâu, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, theo hướng đi vào chiều sâu, đảm bảo chất lượng và bền vững, nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết trong xây dựng nông thôn mới ở cơ sở, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.

Phấn đấu hết năm 2023, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 78%; ít nhất 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có khoảng 7 - 8 tỉnh/thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 9.500 sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Đồng thời tập trung đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho cán bộ và cư dân nông thôn về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025 gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; triển khai hiệu quả, đúng tiến độ, đúng pháp luật nguồn vốn ngân sách trung ương được giao (bao gồm cả nguồn vốn năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023), lồng ghép nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án, cũng như huy động hợp lý các nguồn lực hợp pháp để đầu tư, hỗ trợ hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đặc biệt ở những vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Bộ phối hợp thực hiện các Chương trình MTQG: Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; triển khai mở rộng Chương trình không còn nạn đói ở Việt Nam, thực hiện mục tiêu đảm bảo lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ dinh dưỡng cho người dân và mục tiêu phát triển bền vững số 2 (SDG2) do Chính phủ Việt Nam cam kết với Tổ chức Liên hợp quốc.

Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện để đồng bào tiếp cận tiến bộ kỹ thuật mới, nâng cao năng suất và thu nhập; tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nghèo theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với chế biến, tiêu thụ; tăng cường kết nối giữa người sản xuất và các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị; ưu tiên phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh tại địa phương, tạo giá trị gia tăng để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện công tác bố trí dân cư trong kế hoạch năm 2023, trong đó ưu tiên tập trung bố trí, sắp ổn định dân di cư tự do theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 01/3/2020; thực hiện kế hoạch bố trí, sắp xếp dân cư năm 2023, ưu tiên bố trí dân cư vùng có nguy cơ cao về thiên tai (lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập lũ…), ổn định dân di cư tự do, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khó khăn.

Triển khai các Đề án liên quan đến bố trí dân cư phục vụ công tác xây dựng chính sách, quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện bố trí dân cư. Thực hiện bố trí ổn định cho khoảng 10 nghìn hộ nhằm ổn định và nâng cao đời sống của người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, di cư tự do; tổ chức tổng kết thi hành pháp luật về di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện; giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường và củng cố an ninh, quốc phòng.

Minh Anh (t/h)