Một
số yếu tố ảnh hưởng đến đặc trưng văn hóa ẩm thực Nhật Bản
Vị trí địa lý và khí hậu ảnh hưởng tới nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản
Nhật Bản là một quốc đảo do 4 quần đảo độc lập hợp lại nên xung quanh hoàn toàn là biển cả. Với lợi thế địa lý như vậy, thiên nhiên ưu đãi cho nơi đây nguồn tài nguyên biển phong phú nên từ thời xa xưa, ẩm thực được chế biến đã đề cao vai trò của hải sản.
Xung quanh là biển cả, sự giao thương trên biển làm cho Nhật Bản du nhập được nhiều nét tinh hoa ẩm thực từ phương Đông lẫn phương Tây. Một số loại rau củ cũng được du nhập vào Nhật như món đậu hũ nổi tiếng có nguồn gốc từ Trung Quốc, cách làm mì cũng được người dân nơi đây học hỏi từ Trung Hoa, nhưng khi sang Nhật đã được chắt lọc và chế biến theo một cách riêng của họ.
Quần đảo Nhật Bản trải dài từ Bắc xuống Nam và nằm trong vùng khí hậu ôn đới, cận nhiệt đới nên thời tiết có sự khác nhau theo từng vùng. Các món ăn theo mùa từ điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại Hokkaido đến vùng khí hậu nhiệt đới Okinawa ở phương Nam tạo ra nhiều món ăn phong phú cho đất nước này. Nếu như Hokkaido là một vùng đất rộng lớn và lạnh lẽo rất khó để có thể trồng được lúa mì thì người dân tại đây đã dần quen với hương vị của cải bắp, khoai tây, cá hồi, thịt nướng… Món ăn đặc biệt của vùng này là món mì Trung Hoa dùng cùng bơ, lẩu hải sản…
Đến với vùng Kanto, Kansai sẽ thấy rõ sự khác biệt trong nền ẩm thực tại Nhật. Nếu như nước canh ở chén súp miso tại Kansai gần như có màu trắng thì tại Kanto màu canh súp miso lại có màu đậm và hơi đỏ. Món ăn ở phía Đông và Tây còn khác nhau ở hương vị của món ăn sushi và các loại đồ chua. Món ăn tại vùng Kyoto thường có hương vị thanh thoát, nhẹ nhàng của những món ăn cung đình thì món ăn tại vùng Tokyo lại được chế biến đậm đà hơn với dầu đậu nành.
Kyushu nổi tiếng với trái cây và trà cùng các loại hải sản. Ở đây còn rõ nét ảnh hưởng từ Trung Quốc và các nước phương Tây vì Nagasaki từng đóng vai trò là cầu nối giao thương giữa Nhật Bản với thế giới bên ngoài. Khách đến tham quan thành phố này chắc chắc không thể không thưởng thức món bánh Kasutera hay Castella – món bánh bông lan mật ong Nhật Bản.
Tại khu vực hòn đảo cực Nam Okinawa thì những món ăn truyền thống độc đáo có được nhờ việc tiếp xúc với Trung Quốc và các nước Đông Nam Á vào thời vương quốc Ryukyu kéo dài hơn 400 năm. Món ăn truyền thống tại đây chính là Goya Chanpuru là một món xào hỗn hợp gồm khổ qua, thịt lợn cùng giá.
Không chỉ thay đổi theo vùng mà ngay ở mỗi vùng tùy theo điều kiện khí hậu khác nhau mà người Nhật cũng có cách thưởng thức các món ăn khác nhau.
Vào mùa hè thì người Nhật thường ăn món lươn nướng, thưởng thức các món mực rau, hoa quả tươi mát. Mùa thu , người Nhật chuyển sang thưởng thức mì soba, các loại nấm như matsutake. Cuối thu sẽ dành cho các loại rau quả mùa đông sắp đến. Nhiều món đồ chua được chế biến cùng giấm và muối để giữ trữ cho mùa đông. Mùa đông, Onabe là một món lẩu nghi ngút khói được sử dụng nhiều để giảm đi cái lạnh lẽo. Vào những ngày cuối cùng của năm, người Nhật thường ăn mì toshikoshi có sợi dài với lòng tin những sợi mì dài đó có thể mang tới sức khỏe, sự trường thọ trong năm mới.
Tính độc đáo cổ truyền dân tộc ảnh hưởng tới nét đặc trưng văn hóa ẩm thực Nhật Bản
Người Nhật thưởng thức đồ ăn trước tiên là bằng mắt.
Tính đặc trưng và hấp dẫn nhất của các món ăn Nhật Bản có thể được cho là cách thể hiện đầy đủ tính thẩm mỹ trong các món ăn qua các giác quan như thị giác, vị giác, khứu giác. Không chỉ tính thẩm mỹ cao mà các món ăn Nhật Bản còn đảm bảo sức khỏe như ít béo, ít ngọt, sử dụng nhiều loại rau đậu… Cũng có thể vì đặc điểm này giúp cho người dân Nhật Bản có tuổi thọ cao. Người Nhật vốn yên thích sự thay đổi một cách rõ ràng của thời tiết để sống hòa hợp với thiên nhiên bốn mùa và luôn thưởng thức những gì mà thiên nhiên mang đến theo từng mùa trong năm.
Tính cách nổi bật của người Nhật cũng là sự trung thành, sự tự giác, tính kỷ luật cao, đặc biệt là họ có cảm nhận thẩm mỹ rất cao. Chính vì vậy món ăn của Nhật rất tinh tế, hòa trộn sự khéo léo giữa màu sắc, hương vị, tôn giáo truyền thống. Các món ăn được chế biến, sắp xếp xinh xắn, vị thanh tao, nhẹ nhàng và không quá nồng đậm. Người Nhật dùng đũa để ăn, đặc biệt, họ cũng thích bày biện món ăn tại những chiếc bát đĩa nhỏ xinh.
Tôn giáo ảnh hưởng tới đặc trưng văn hóa ẩm thực Nhật Bản
Tôn giáo chính ở Nhật là đạo Phật nên nền ẩm thực Nhật cũng có sự xuất hiện của các món ăn chay. Vào năm 1185, khi chính quyền dời về Kamakura – nơi tiêu biểu cho cuộc sống của các võ sĩ samurai và các nhà thiền sư, cũng là nơi ra đời những món ăn chay đơn giản hơn ảnh hưởng bởi các nhà sư Trung Hoa cùng cách nấu của thiền viện Trung Hoa. Món ăn chay tại Nhật chú trọng vào 5 màu sắc cơ bản là đỏ, vàng, xanh, trắng và đen tím cùng 6 vị là đắng, ngọt, nóng, chua, cay và vị thơm ngon. Đây là một cách nấu ăn quan trọng và còn ảnh hưởng đến ngày nay từ mùi vị, cách nấu. Món ăn chay là khởi đầu cho sự phát triển của món Kaiseki là món ăn được dọn ra trước những buổi trà đạo vào thế kỷ thứ 16.
Tuổi tác cũng có ảnh hưởng tới văn hóa ẩm thực Nhật Bản
Ngày nay, do nhịp sống hối hả, bận rộn hơn và ảnh hưởng ít nhiều của lối sống Phương Tây nên đa phần người trẻ ở Nhật thích các món ăn nhanh như bánh mì, hamburger, sữa, bơ… Trong khi những người cao tuổi vẫn ưa chuộng những món ăn truyền thống.
Kinh tế cũng ảnh hưởng tới văn hóa ẩm thực Nhật Bản
Kinh tế ở Nhật là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với tuổi thọ trung bình của người Nhật cao nhất thế giới nên những vấn đề liên quan đến ăn uống rất được coi trọng. Hàng năm, người Nhật dành ra phần thu nhập đáng kể của mình cho ăn uống. Bữa ăn của họ không chỉ đầy đủ về nhu cầu dinh dưỡng mà còn cần phải cân bằng về thành phần, đáp ứng đủ yếu tố thẩm mỹ…
Ý nghĩa văn hóa ẩm thực Nhật Bản.
Nhiều món ăn ở Nhật tượng trưng cho lời chúc tốt đẹp gửi tới mọi người trong năm mới như rượu Sake với ý nghĩa trừ tà, kéo dài tuổi thọ; món đậu phụ như một lời chúc mạnh khỏe; món trứng cá tuyết nướng có ý nghĩa chúc gia đình đông vui; món sushi cá tráp với ý nghĩa sung túc thịnh vượng; món tempura với ý nghĩa trường thọ…
Lê Thanh (t/h)