Theo báo cáo: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 20,48%, trong đó GRDP theo ngành kinh tế tăng 22,08%, so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,34%; công nghiệp và Xây dựng tăng 25,23%; dịch vụ tăng 26,19%. Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng của Khánh Hòa đạt 12.235,8 tỷ đồng, bằng 101,8% dự toán và tăng 22,9% so cùng kỳ năm trước.
Hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh ổn định và tăng trưởng trở lại, hàng hóa đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh đạt 63.532,2 tỷ đồng, tăng 57,9% so cùng kỳ năm trước, đạt 103% kế hoạch năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 1.206,8 triệu USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 88,4% kế hoạch (Trong đó: Tàu biển tăng 10,8%; Thủy sản tăng 35,1%; cà phê tăng 14,2%...). Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của tỉnh đạt 1.306,5 triệu USD, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước (Trong đó: Nguyên liệu thủy sản tăng 26,7%; máy móc thiết bị phụ tùng tăng 3,3 lần; sắt thép, kim loại khác gấp 2,8 lần)….
Đáng chú ý: Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại và dịch vụ; phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm về kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, an toàn thực phẩm. Đồng thời, Cục QLTT tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng và hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, QLTT đẩy mạnh công tác kiểm tra giá, niêm yết giá và bám theo giá niêm yết; chống đầu cơ, găm hàng đã được thực hiện thường xuyên; thị trường hàng hóa, giá cả trên địa bàn được ổn định. 9 tháng năm 2022, Cục quản lý thị trường đã kiểm tra được 470 cơ sở sản xuất kinh doanh, đã phát hiện 244 vụ vi phạm, xử lý hành chính 244 vụ, thu nộp ngân sách 1.601,56 triệu đồng.
Trần Minh Ngọc