Hằng năm, Bộ NN&PTNT đều ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam. Từ danh mục này, các địa phương, đơn vị chức năng nắm bắt được tổng hoạt chất và tên thương phẩm của thuốc để tuyên truyền, hướng dẫn nông dân cách lựa chọn và sử dụng thuốc.

Tuy nhiên, thuốc bảo vệ thực vật có hàng trăm hoạt chất thuốc trừ sâu và bệnh được dùng trên rau với hàng nghìn tên thương phẩm, riêng phân bón có hơn 6.150 loại lưu hành trên thị trường nên đã gây khó khăn cho nông dân trong việc lựa chọn đúng loại thuốc và sử dụng, chính vì thế việc xác định phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng không thể nhận biết bằng mắt thường mà phải thông qua lấy mẫu gửi kiểm định. Không những thế tình trạng kinh doanh phân bón kém chất lượng, thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc xuất xứ diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất sản xuất nông nghiệp và môi trường.

Khó khăn trong công tác xử lý vi phạm về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật - Hình 1

Trên thị trường hiện nay có hàng nghìn loại thuốc bảo vệ thực vật và phân bón

Ngoài ra việc lấy mẫu, gửi kiểm định mẫu cần có kinh phí, trong khi kinh phí được cấp cho lực lượng chức năng hạn chế,  không đủ điều kiện để lấy mẫu tất cả các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nên ảnh hưởng đến việc kiểm tra về chất lượng. Việc kiểm tra có lúc, có nơi chỉ dừng lại ở việc kiểm tra điều kiện kinh doanh, nguồn gốc xuất xứ, hoá đơn, ghi nhãn hàng hóa mà chưa thường xuyên kiểm tra về chất lượng.

Mới đây Ban Chỉ đạo 389 Bến Tre đã họp về tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động kiểm tra và xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, không nằm trong danh mục được phép sử dụng.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện cả nước có trên 35.000 doanh nghiệp, đại lý và hộ gia đình sản xuất và kinh doanh phân bón, có 694 cơ sở sản xuất phân bón đủ điều kiện được phép hoạt động, 6.150 tên phân bón đang được lưu hành trên thị trường. Năm 2017, Việt Nam sử dụng 28 triệu tấn phân bón, trong đó nhập khẩu là 220 ngàn tấn, xuất khẩu 76 ngàn tấn và việc quản lý chất lượng phân bón hết sức phức tạp, tình trạng trạng phân bón giả, kém chất lượng vẫn còn xảy ra.

Hoàng An