Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Long An có 150 cơ sở sản xuất, gia công phân bón (vơ cơ và hữu cơ), 45 cơ sở sản xuất, sang chiết thuốc bảo vệ thực vật và 980 cơ sở, đại lý kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Ban Chỉ đạo 389 tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 12/01/2018, chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh trái phép các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong nước phát triển, chống ô nhiễm môi trường, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp chân chính, nông dân và sức khỏe cộng đồng.
Theo đó, lực lượng Biên phòng rà soát, thống kê trên địa bàn các xã biên giới có 63 đại lý, cửa hàng kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, không có đơn vị sản xuất. Cũng qua công tác quản lý địa bàn, lực lượng Biên phòng chưa phát hiện việc nhập lậu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật qua biên giới của tỉnh.
Cơ quan Hải quan thống kê, lập danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Nhằm quản lý số lượng, chủng loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu để phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng.
Thanh tra Sở Nông nghiệp, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật rà soát, thống kê số tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh; tổ chức thanhtra, kiểm tra toàn diện điều kiện sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, gia công, sang chiết, đóng gói, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Quản lý thị trường kiểm tra việc chấp hàng điều kiện kinh doanh, hóa đơn chứng từ đối với phân bón, thốc bảo vệ thực vật nhập khẩu; lấy mẫu phân bón để kiểm tra chất lượng.
Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 206 vụ; Tổng số vụ vi phạm: 70 vụ; Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính: 805 triệu đồng; Tịch thu: 874 bao phân bón giả
Trong đó, Chi cục Quản lý thị trường: Kiểm tra 66 cơ sở kinh doanh, lấy 46 mẫu phân bón gửi cơ quan chức năng kiểm định chất lượng. Kết quả kiểm định phát hiện 5 mẫu phân bón giả, 22 mẫu phân bón có chất lượng không phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng. Xử phạt vi phạm hành chính 35 trường hợp vi phạm với số tiền 610 triệu đồng (các hành vi vi phạm gồm 06 trường hợp kinh doanh phân bón giả, 22 trường hợp kinh doanh phân bón kém chất lượng, 8 trường hợp không đảm bảo điều kiện kinh doanh), tịch thu 874 bao phân bón giả.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Kiểm tra 140 lượt cơ sở, lấy 17 mẫu phân bón kiểm tra chất lượng. Kết quả phát hiện 02 mẫu phân bón giả, 03 mẫu phân bón không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng. Xử phạt vi phạm hành chính 35 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền 195 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu như: Không duy trì đầy đủ các điều kiện trong buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện buôn bán thuốc thuốc bảo vệ thực vật; kinh doanh phân bón có nhãn hàng hóa ghi không đúng bản chất về loại phân bón; kinh doanh phân bón có nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam kèm theo; kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng.
UBND tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục triển khai, thực hiện kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 12/01/2018 của UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng. Đồng thời, phối hợp cơ quan Báo, Đài tổ chức tuyên truyền tác hại của việc sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường và thiệt hại về kinh tế cho người nông dân.
Hà Trần