Hiệu quả kinh tế cao

Huyện Khoái Châu có xấp xỉ gần 300 ha diện tích đất nông nghiệp trồng nghệ, chủ yếu tập trung ở các xã có sông Hồng chảy qua như Chí Tân, Đại Tập, Nhuế Dương, Thuần Hưng, Đại Hưng... Chí Tân có diện tích trồng nghệ lớn nhất huyện (gần 200 ha).

Khoái Châu: “Xây” thương hiệu nghệ Chí Tân - Hình 1

Cánh đồng chuyên canh nghệ

Từ tháng 5 - 8 hàng năm, về xã Chí Tân, khách ghé thăm sẽ thấy những cánh đồng nghệ bát ngát ven sông Hồng. Cây nghệ vàng có tên khoa học Curcuma longa L, thuộc họ gừng, là loại cây thuốc dân gian quý, được người dân sử dụng từ lâu làm gia vị trong chế biến thực phẩm và chữa bệnh, làm đẹp. Các nhà khoa học có nghiên cứu và chứng minh rằng: Tinh chất Cucurmin có trong củ nghệ, có tác dụng tích cực trong việc phòng và hỗ trợ điều trị hiệu quả nhiều căn bệnh như ung thư, dạ dày, xương khớp…

Ở Chí Tân, cây nghệ vàng gắn bó với người dân đã hơn nửa thế kỷ qua. Những năm trở lại đây, nhờ hiệu quả kinh tế cao, diện tích nghệ ở Chí Tân nói riêng và huyện Khoái Châu ngày càng được mở rộng. Nhiều gia đình còn sản xuất, chế biến bột và tinh bột nghệ, góp phần nâng cao giá trị cây nghệ Chí Tân.

Diện tích trồng nghệ ở Chí Tân bởi vậy ngày càng được mở rộng. Trồng nghệ đơn giản, không tốn nhiều công chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ dân ở Chí Tân đã cải tạo diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả để trồng cây nghệ vàng. Mỗi ha trồng nghệ, cho thu hoạch trung bình khoảng 27 tấn. Hiện giá bán củ tươi khoảng 25.000 - 35.000 đồng/kg, giá trị trên 1 ha ước đạt 500 - 600 triệu đồng.

Khẳng định thương hiệu

Củ nghệ tươi đã có giá trị khá cao. Tuy nhiên, nếu qua chế biến thành các sản phẩm từ nghệ thì giá trị kinh tế tăng lên gấp nhiều lần.

Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên (thôn Tân Hưng, xã Chí Tân) Hoàng Quang Đông chia sẻ: “Hướng đi mới cho cây nghệ Chí Tân và mong mỏi của bà con nông dân nơi đây đó là phải xây dựng được thương hiệu, không chỉ cung cấp củ nghệ tươi ra thị trường, mà phải chế biến thành những sản phẩm chất lượng và giá trị kinh tế cao như tinh bột nghệ, nghệ khô”.

Các sản phẩm từ nghệ của các cơ sở sản xuất tại Chí Tân, đã và đang khẳng định được thương hiệu và xuất hiện tại các thị trường Ấn Độ, Lào, Campuchia,Thái Lan, Trung Quốc… Tuy không bao giờ lo ế, nhưng người trồng nghệ hiện vẫn phải loay hoay tự tìm đầu ra; giá cả, thu mua còn phụ thuộc vào thương lái nên không tránh khỏi tình trạng ép giá.

Trên thị trường, rất nhiều sản phẩm tinh bột nghệ được chào bán dưới tên thương hiệu “Nghệ Chí Tân”. Tuy nhiên, cả các nhà quản lý và người tiêu dùng không có hình thức truy xuất nguồn gốc nào để phân biệt đâu là sản phẩm nghệ Chí Tân đúng nguồn gốc xuất xứ, đâu là sản phẩm đội lốt thương hiệu. Đồng thời, chưa có căn cứ nào để xác định tinh bột nghệ có bị pha trộn trong quá trình chế biến, chất lượng có đảm bảo như sản phẩm tinh bột nghệ truyền thống và xử lý các hành vi đội lốt thương hiệu.

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Hưng Yên đã giao Sở KH&CN tuyển chọn DN thực hiện Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Nghệ Chí Tân - Khoái Châu” dùng cho các sản phẩm liên quan đến nghệ của huyện Khoái Châu, Hưng Yên”. Dự án được giao cho Công ty TNHH Phát triển tài sản trí tuệ Việt (thực hiện từ tháng 2/2017). Đến nay, DN chủ trì đã xây dựng mẫu nhãn hiệu chứng nhận, xây dựng bộ tiêu chí sản phẩm và đang hoàn tất bộ hồ sơ nộp Cục Sở hữu trí tuệ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Nghệ Chí Tân - Khoái Châu”. Dự kiến, chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận này là UBND huyện Khoái Châu.

Khoái Châu: “Xây” thương hiệu nghệ Chí Tân - Hình 2

Không chỉ vào cuộc trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nghệ, các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh còn có những chỉ đạo, hành động thiết thực để mở rộng diện tích trồng nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng giá trị sản phẩm, cung cấp ra thị trường sản phẩm đúng nguồn gốc xuất xứ, nâng cao uy tín thương hiệu và niềm tin của người tiêu dùng.

Nguyễn Tuấn