Hai kịch bản cho chỉ số VN-Index
Báo cáo chiến lược từ Công ty Chứng khoán VNDIRECT mới đây đã đưa ra hai kịch bản cho chỉ số VN-Index, phản ánh những biến số có thể tác động đến thị trường trong năm nay.
![(Nguồn: VNDIRECT (Nguồn: VNDIRECT](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2025/01/26/untitled-1737874425.png)
Theo VNDIRECT, chỉ số VN-Index có thể đạt mức 1.670 điểm trong kịch bản tích cực, tương ứng với mức tăng trưởng 32% so với năm trước. Ngược lại, trong trường hợp kém thuận lợi hơn, VN-Index sẽ dừng lại ở mức 1.340 điểm, tăng nhẹ 6% so với cuối năm 2024. Hai kịch bản này được xây dựng dựa trên các yếu tố vĩ mô, chính sách quốc tế và khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ở kịch bản tích cực, các yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ bao gồm: Việt Nam có khả năng được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 9/2025. Điều này sẽ thu hút một lượng lớn dòng vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế.
Theo các chuyên gia, dựa trên đà phục hồi của năm 2024 với tăng trưởng lợi nhuận đạt khoảng 16%, dự báo lợi nhuận của các công ty niêm yết trên HOSE sẽ tăng trưởng 17% vào năm 2025, được hỗ trợ bởi: cam kết mạnh mẽ của chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy đầu tư công, đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 7,5% và hướng tới mức tham vọng là 8,0%.
Cùng đó là mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao của Ngân hàng Nhà nước là 16% trong năm 2025, cũng như việc thực hiện mục tiêu nâng hạng lên “thị trường mới nổi thứ cấp” của FTSE sẽ cải thiện thanh khoản thị trường và thu hút dòng vốn từ các nhà đầu tư tổ chức cũng như cá nhân vào thị trường chứng khoán, từ đó thúc đẩy lợi nhuận trong lĩnh vực dịch vụ tài chính.
Chính sách vĩ mô ổn định, Chính phủ duy trì các biện pháp thúc đẩy đầu tư công, kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.
![Ảnh internet. Ảnh internet.](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2025/01/26/untitled-1737874986.png)
Ngược lại, kịch bản tiêu cực phản ánh những lo ngại về: Quan hệ thương mại quốc tế: Những rủi ro từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể ảnh hưởng đến dòng vốn FDI và xuất khẩu của Việt Nam.
Biến động tỷ giá, đồng VND có thể chịu áp lực mất giá trong bối cảnh chỉ số DXY tăng mạnh, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu. Thị trường chờ đợi nhà đầu tư thận trọng khi các quyết sách của Mỹ dưới thời chính quyền của ông Donald Trump 2.0 chưa rõ ràng.
Quý III và quý IV sẽ là giai đoạn mà dòng tiền tăng mạnh hơn
Dự báo kịch bản thị trường chứng khoán năm 2025, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng, theo lịch sử các chu kỳ hạ lãi suất của FED, nếu không có suy thoái thì S&P 500 thường tăng.
Hiện chứng khoán Mỹ cũng phản ứng mạnh với diễn biến kinh tế khi dòng tiền các quỹ ETF đổ vào thị trường chứng khoán Mỹ cao kỷ lục trong vòng 10 năm lại đây, hút 1.000 tỷ USD. Dự đoán dòng tiền sẽ sớm trở lại khu vực trường mới nổi như Việt Nam. Hiện VN-Index vẫn đang ở giai đoạn phản ứng, thị trường có thể đối mặt bẫy giảm giá, rung lắc ở đầu năm 2025 để đón sóng nâng hạng thăng hoa vào cuối năm.
"Sau vùng trũng vào giữa năm 2025, thị trường được dự báo sẽ phục hồi theo chiều hướng tích cực trong giai đoạn tháng 9, tháng 10. Do đó, nhà đầu tư có thể lên kế hoạch cho những quyết định trung hạn và đánh giá các danh mục cổ phiếu hứa hẹn chốt lời vào cuối chu kỳ tăng trưởng khi thị trường tăng tốc bùng nổ trở lại", ông Trần Hoàng Sơn nhận định.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank (VPBanks) kỳ vọng, chứng khoán vẫn có thể gập ghềnh trong nửa đầu năm, nhưng câu chuyện tích cực có thể bắt đầu vào nửa cuối năm. Theo quan điểm của chuyên gia, mức điểm của VN-Index đến cuối năm có thể đạt từ 1.400 đến 1.420 điểm.
![Kịch bản, bước ngoặt nào cho thị trường chứng khoán năm 2025? Ảnh internet. Kịch bản, bước ngoặt nào cho thị trường chứng khoán năm 2025? Ảnh internet.](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2025/01/26/tctc-khoi-ngoai-rut-rong-1737875108.jpg)
Trong ngắn hạn, với yếu tố khó lường từ việc ông Donald Trump sắp bước vào Nhà Trắng và có thể đưa ra các quyết sách khó lường trong quý I và quý II, tỷ giá ở hầu hết các thị trường vẫn căng thẳng, USD vẫn tăng và lợi suất trái phiếu vẫn neo cao, đặc biệt Fed hạ lãi suất ít hơn so với kỳ vọng (hai lần) thì nhiễu động thị trường sẽ vẫn còn.
Về diễn biến khối ngoại, mặc dù nhà đầu tư nước ngoài có thể không bán mạnh như năm 2024, nhưng lực bán vẫn sẽ kìm hãm đà tăng của VN-Index trong năm nay. Trong nửa đầu 2025, biên giao động chính của VN-Index mà chuyên gia dự báo sẽ xoay quanh khoảng 1.200 đến 1.300 điểm.
Trong giai đoạn từ tháng Tư đến tháng Sáu, thị trường có thể tạo ra vùng trũng trong tháng Năm. Tháng Năm thường là giai đoạn nhà đầu tư trong nước và quốc tế “Sell in May” do trũng thông tin sau mùa BCTC quý I. Thị trường sẽ tích cực dần trong tháng 8 – 9, khi Việt Nam chuẩn bị đón những yếu tố tích cực trong con sóng nâng hạng.
Trong năm 2025, yếu tố kinh tế vĩ mô cũng sẽ diễn ra trong nửa đầu năm do những lo ngại từ chính sách thuế quan của Mỹ. Tuy nhiên, đến nửa cuối năm, Việt Nam sẽ không chịu ảnh hưởng chính từ chính sách thuế quan của ông Donald Trump.
"Kết hợp với yếu tố nâng hạng, quý III và quý IV sẽ là giai đoạn mà dòng tiền tăng mạnh hơn, nhà đầu tư quốc tế trở lại mua ròng và thị trường sẽ diễn ra tích cực. Giai đoạn điều chỉnh giữa năm có thể là cơ hội tốt để giải ngân. Chúng ta chỉ có cơ hội tốt khi giá cổ phiếu có sự chiết khấu tốt", ông Trần Hoàng Sơn nhận định.
Các chuyên gia nhận định, năm 2025 sẽ là năm mang tính bước ngoặt quan trọng với thị trường chứng khoán. Nếu được nâng hạng, Việt Nam có thể huy động 1,7 tỷ USD vốn thụ động, 6-7 tỷ USD vốn chủ động.
PV (t/h)