Theo Bộ Xây dựng, lãi vay dành cho người mua nhà ở xã hội được Vingroup và Techcombank đề xuất bằng với mức lãi vay mua nhà ở xã hội được Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng theo từng thời kỳ.

Hiện mức lãi suất này khoảng 4,8%/năm và cố định trong 5 năm đầu tiên. Thời hạn cho vay khoảng 30 năm, tài sản đảm bảo cho khoản vay mua nhà ở xã hội chính là các dự án nhà ở xã hội. Mức cho vay mua nhà ở xã hội tối đa lên đến 100% giá trị hợp đồng mua bán nhà ở xã hội. Đối tượng vay là những cá nhân đủ điều kiện mua nhà ở xã hội theo danh sách do chủ đầu tư dự án xác minh và cung cấp - Vingroup và Techcombank đề xuất.

Để thực hiện được chương trình cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội, Vingroup và Techcombank kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng so với tăng trưởng tín dụng thông thường để các tổ chức tín dụng chủ động mở rộng kinh doanh nhằm tạo ra thu nhập bù đắp phần chênh lệch lãi suất đã bỏ ra để hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội.

Nguồn tài chính hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà ở xã hội ước tính khoảng 8.000 tỷ đồng. Vì vậy, Techcombank đề xuất xem xét cấp bổ sung hạn mức tín dụng trong 5 năm kể từ khi bắt đầu thí điểm (ngoài hạn mức được Ngân hàng Nhà nước thông báo đầu năm tài chính đến các tổ chức tín dụng nói chung và Techcombank nói riêng).

Trên cơ sở đề xuất này, Bộ Xây dựng đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước và Vingroup, Techcombank. Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đánh giá, đề xuất thí điểm gói vay ưu đãi mới cho người vay mua nhà ở xã hội của Vingroup và Techcombank có nhiều điểm tương đồng với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội hiện nay. Tuy nhiên mức lãi vay, thời hạn vay, mức cho vay có sự khác biệt.

Hiện gói ưu đãi 120.000 tỷ đồng có lãi vay với người mua nhà là 7,5%/năm, lãi vay với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội là 8%/năm. Thời gian áp dụng lãi vay ưu đãi là 5 năm, định kỳ 6 tháng Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh lãi vay một lần dựa trên lãi vay bình quân của bốn ngân hàng thương mại nhà nước.

Trên thực tế, thời gian qua, nhiều người có nhu cầu mua nhà ở xã hội liên tục phản ánh về nguồn cung khan hiếm và mức lãi suất của gói vay 120.000 tỷ đồng vẫn cao so với thu nhập và khả năng chi trả của các gia đình. Trong 2 quý đầu của năm 2024, các ngân hàng thương mại đã giải ngân số tiền 1.234 tỷ đồng, chỉ tương đương 1% của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Do đó, cùng vói việc kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước khuyến khích thêm các ngân hàng thương mại tham gia vào gói vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng cũng đề xuất tiếp tục xem xét tăng thời hạn cho vay ưu đãi, hạ mức lãi vay gói 120.000 tỷ đồng ở mức thấp hơn lãi cho vay thông thường từ 3-5% để công nhân, người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp có cơ hội, động lực để mua nhà.

Đồng thời, Bộ Xây dựng đề nghị nghiên cứu, bổ sung đối tượng chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ cũng được vay từ chương trình tín dụng đề xuất mới này.

Thu Trang(t/h)