Kỳ 1: Biến tướng khôn lường
THCL Hiện nay, kinh doanh đa cấp xuất hiện nhiều biến tướng, lợi dụng để hoạt động bất chính, lừa đảo. Biểu hiện rõ rệt nhất là cá nhân tham gia vào công ty bán hàng đa cấp bất chính, lừa đảo thì công ty không khuyến khích đi bán hàng mà chỉ khuyến khích mua hàng từ công ty…
Hành vi, thủ đoạn lừa đảo
Hoạt động BHĐC hình thành và phát triển trên thế giới đã hơn 70 năm, nhưng đến năm 1998, mới xuất hiện ở Việt Nam. Chỉ đến khi Luật Cạnh tranh ra đời (2004), hoạt động BHĐC mới thực sự “nổi lên”.
Liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP Liên kết SXTM Việt Nam (Công ty Liên kết Việt), do Lê Xuân Giang (tức Lê Xuân Hà) làm Chủ tịch HĐQT cầm đầu, cơ quan điều tra Bộ Công an xác định, sự việc xảy ra trong thời gian rất ngắn (từ năm 2014 - 2015) nhưng có tính chất phức tạp.
Hành vi, thủ đoạn lừa đảo mới, công khai trắng trợn tổ chức và tuyên truyền sai sự thật gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, số người bị hại đến nay lên tới trên 60.000 người, số tiền chiếm đoạt trên tài khoản giao dịch tại các NH là 1.900 tỷ đồng. Quy mô vụ án xảy ra tại 27 tỉnh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội.
Trước đó, một số “sếp” lớn của các công ty đa cấp đã bị bắt do vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh lĩnh vực này. Công ty CP Vipha Việt Nam, Công ty Median Việt Nam, tổ chức kinh doanh đa cấp Vital Group… là những đơn vị có dấu hiệu hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép. Những đơn vị này đã từng bị các cơ quan chức năng kiểm tra xử phạt. Tuy nhiên những đơn vị này vẫn lén lút hoạt động.
Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú cho biết: “BHĐC là một mô hình mới, pháp luật hiện hành điều chỉnh hoạt động BHĐC vẫn còn nhiều bất cập. Do đó, việc quản lý các công ty đa cấp hoạt động với quy mô hàng nghìn người tham gia là không hề dễ”.
Theo Luật sư Tú, trên thực tế, đó là hoạt động mua hàng đa cấp chứ không phải BHĐC. Hậu quả là chỉ có công ty có lợi vì bán được hàng, thu được tiền, còn người tham gia thì thiệt hại do mất tiền đầu tư vào hàng hóa. Đối với BHĐC chân chính, người tham gia có quyền đổi, trả lại hàng hóa lấy lại tiền trong vòng 30 ngày kể từ ngày mua và nhận được hàng mà không cần lý do. Nhưng với những công ty bất chính, hầu như quyền lợi này luôn bị từ chối. Thứ nữa, kêu gọi đầu tư tài chính như trường hợp của Công ty Liên kết Việt. Về mặt pháp lý, các công ty này không được phép, vì không có chức năng huy động vốn và trả lãi như NH. Loại hình này, hoàn toàn bị cấm trong kinh doanh đa cấp.
Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong, bản chất của BHĐC không có gì xấu, được thế giới công nhận là một hình thức phát triển của thương mại đã được luật hóa, có nghị định chính thức để quản lý.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, lộ rõ nhiều mặt trái của kinh doanh đa cấp, đặc biệt dễ lan tỏa trong xã hội do cơ chế, trách nhiệm cơ quan quản lý, khiếm khuyết của luật. Đặc biệt, thiếu những chế tài mạnh cả về hình sự cả về pháp lý, tài chính cho tất cả các bên.
Pháp luật còn nhiều khoảng trống
Theo Luật sư Trương Anh Tú, có nhiều nguyên nhân dẫn đến công ty BHĐC bất chính như quảng cáo thổi phồng mô hình kinh doanh có khả năng sinh lời rất cao, lợi dụng tính hám lợi của một số người… Song phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, do các quy định pháp luật về BHĐC còn chưa hoàn thiện - đã vô tình tạo cơ hội cho một số cá nhân, tổ chức lợi dụng để kiếm lời bất chính.
Trong các vụ việc lừa đảo xảy ra gần đây, khi DN tổ chức kinh doanh đa cấp bị các nạn nhân tố cáo, cơ quan điều tra vào cuộc thì có một điểm chung đó là các hoạt động kinh doanh (cung ứng dịch vụ) theo phương thức đa cấp đều không có giấy phép tổ chức BHĐC và nằm ngoài sự quản lý, kiểm soát của cơ quan nhà nước.
Nguyên nhân do các quy định của pháp luật hiện hành về BHĐC còn “khoảng trống” rất lớn. Cụ thể, các quy định của Luật Cạnh tranh, Nghị định 42 chỉ áp dụng đối với các hoạt động bán hàng hóa theo phương thức đa cấp mà không điều chỉnh đối với các hoạt động cung ứng dịch vụ theo phương thức đa cấp.
“Pháp luật hiện hành về cạnh tranh đã bỏ sót không điều chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ đa cấp. Bất cập này dẫn đến việc các doanh nghiệp tổ chức kinh doanh cung ứng dịch vụ đa cấp (bán gói du lịch, bán gian hàng điện tử…) không thực hiện việc xin giấy đăng ký tổ chức BHĐC. Đồng thời, khi xử lý vi phạm của các doanh nghiệp này, các cơ quan nhà nước cũng gặp nhiều khó khăn do chưa có chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm trong hoạt động cung ứng dịch vụ đa cấp”, Luật sư Tú phân tích.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Pháp luật hiện hành về đa cấp hiện mới có chế tài cho bên cung cấp, chứ chưa có chế tài cho cơ quan quản lý nhà nước, kể cả người tiêu dùng. Thiếu tất cả các chế tài cho tất cả các sai phạm.
Cụ thể, trong hình ảnh khai trương của Liên kết Việt, có sự tham dự của “hai ông tướng”, đây là biểu hiện bên ngoài không loại trừ sự bảo kê, liên kết nhóm, vô trách nhiệm, thậm chí là việc cố tình lờ đi hòng trục lợi.
Mặt khác, tại cơ quan thuế, hệ thống chính quyền ở từng địa phương cũng như của Bộ không phát hiện sai phạm vượt khung, hành vi cố tình vi phạm điều cấm trong hoạt động kinh doanh… của Liên kết Việt để có biện pháp xử lý triệt để mà khi lên đến con số 60.000 người tham gia mới bị phát hiện thì không thể nói không biết. Vậy đây là lỗi của cơ quan nhà nước chứ còn gì?”
Kỳ 2: Cần sửa đổi các quy định của luật
Hoan Nguyễn - Đoàn Huế