Theo Bác sĩ Lê Văn An, nguyên Giám đốc Viện 51 (nay thuộc Quân khu 3), loại khí độc sinh ra trong đám cháy như cacbon monoxit (CO), hydro cyanua (HCN) làm nạn nhân bị ngạt, hít phải lượng lớn có thể bị ngộ độc dẫn đến tử vong chứ không phải chết do bỏng lửa.

Khi hít phải khói, con người sẽ bị thiếu oxy, dẫn đến thở nhanh, gấp, yếu dần. Cùng đó, một lượng lớn oxit cacbon sinh ra từ những vật liệu cháy xâm nhập và tạo áp lực lớn trong đường hô hấp, gây bỏng đường hô hấp. Nặng hơn, ngạt khói có thể gây co giật, bất tỉnh.

Kinh nghiệm sống còn không bị chết ngạt khi gặp hỏa hoạn - Hình 1

Vụ cháy chung cư Carina khiến 13 người chết, 91 người nhập viện

"Theo tác dụng hóa sinh, khi đi vào trong cơ thể, khí CO cạnh tranh với oxy để kết hợp với hemoglobin trong máu tạo thành carboxy hemoglobin (HbCO). Chất này sinh ra ngăn chặn khả năng giải phóng oxy trong tế bào, làm giảm khả năng vận chuyển oxy của máu, dẫn đến tình trạng thiếu oxy", Bác sĩ An cho biết.

Theo thông tin đăng tải trên trang web trường Đại học PCCC, hầu hết những người chết trong đám cháy là do hít khói, không phải bị bỏng. Và làm thế nào để tránh ngộ độc khí trong đám cháy là câu hỏi mà nhiều người quan tâm nhất.

Để tránh nguy cơ tử vong do khói trong trường hợp xảy ra cháy, trường ĐH PCCC khuyên bạn hãy nhanh chóng thoát ra bằng cách bò sát mặt đất, bịt khăn hoặc vải thấm nước lên miệng, mũi rồi di chuyển đến nơi không khí trong lành và kiểm tra hô hấp để kịp thời can thiệp.

Chú ý tổn thương ở phổi và đường hô hấp do hít phải khí độc đôi khi chỉ xuất hiện sau 24-36 giờ tiếp xúc khiến nạn nhân chủ quan, không kịp xử lý.

Do đó, khi thoát khỏi đám cháy, nếu thấy các dấu hiệu như khàn tiếng, thay đổi giọng nói, thở gấp, đờm đen cần đến cơ sở y tế để kiểm tra ngay lập tức.

Cách đây ít giờ tài khoản facebook Minh Trần thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ trên mạng xã hội.

Tải khoản Minh Trần viết:

"Chia sẻ cách thoát hiểm khi xảy ra cháy qua vụ việc cháy chung cư tại Sài Gòn hôm nay. (Đây là kinh nghiệm thực tế của bản thân tôi đã cứu sống 4 người trong gia đình mình trong một vụ hỏa hoạn)...

- Phương pháp thoát hiểm khi cháy tôi muốn nhấn mạnh là "rất đơn giản" và ai cùng gia đình nào cũng có điều kiện thực hiện tốt để giảm thiểu được thiệt hại rất lớn.

Tôi có vẽ hình ảnh minh họa để mọi người hiểu ngay được phương pháp dưới đây và cần lưu ý các điểm đặc biệt quan trọng.

1) Khi xảy ra cháy hỏa hoạn, điều quan trọng hàng đầu là bạn không được mất bình tĩnh

2) Đa phần thiệt hại về người là do ngạt khói chứ không phải do lửa nóng

3) Khói độc đậm đặc và áp suất trong nhà kín sẽ tăng rất nhanh, do đo phải mở ngay lập tức tất cả các cửa ở hướng không có cháy để giảm áp (không được mở cửa ở hướng có cháy và khói xông vào phòng)

4) Các phương pháp phòng khói khẩn cấp như khăn ướt luôn có tác dụng tốt vậy bạn nên luôn để 1 chai nước trong phòng

- Thực hiện biện pháp tránh ngạt do khói rất đơn giản như sau: dụng cụ cứu nạn ở đây đơn giản chính là tấm nệm bạn đang nằm ngủ.

Xem hình tôi vẽ minh họa thực hiện đối với 2 trường hợp là cửa sổ và ban công hoặc cả 2 cùng lúc. Lấy một tấm nệm (màu xanh như hình minh họa) dựng lên một góc khoảng 45 độ và bạn chui vào trong.

Kinh nghiệm sống còn không bị chết ngạt khi gặp hỏa hoạn - Hình 2

Kinh nghiệm sống còn không bị chết ngạt khi gặp hỏa hoạn - Hình 3

- Đối với cửa sổ bạn sẽ để một khe thoáng phía trên khoảng chừng 30cm để khói có thể trượt qua tấm nệm và bốc lên ra ngoài trời.

Kinh nghiệm sống còn không bị chết ngạt khi gặp hỏa hoạn - Hình 4

Kinh nghiệm sống còn không bị chết ngạt khi gặp hỏa hoạn - Hình 5

- Đối với ban công bạn sẽ dựng tấm nệm sao cho phần đáy của nó tiếp xúc được với sàn và tường rồi chui vào đó tránh khói.

ACE (anh chị em) đọc qua xin chia sẻ rộng rãi để cộng đồng mọi người cùng biết để phòng ngừa. Cảm ơn".

Bài đăng đi kèm với hình minh họa do chính tài khoản facebook Minh Trần vẽ tương đối trực quan và sinh động. Không chỉ đăng tải trên trang cá nhân, tài khoản Facebook này còn chủ động chia sẻ kinh nghiệm vào nhóm đông thành viên để lan tỏa thông tin. Đa phần dân mạng đều bày tỏ sự quan tâm và cho rằng chia sẻ trên thiết thực và hữu ích.

Ngọc Linh