Chưa đủ điều kiện nhưng vẫn chủ đầu tư được ưu ái?
Dự án Đầu tư xây dựng các tuyến giao thông trục chính phía Tây KKT Nghi Sơn là loại công trình giao thông cấp II được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt chủ trương đầu tư tại quyết định số 1763/QĐ-UBND ngày 06/06/2014. Ban quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 276/QĐ-BQLKTNS ngày 18/8/2014. Phê duyệt điều chỉnh tại dự án Quyết định số 315A/QĐ-BQLKKTNS&KCN ngày 26/9/2016.
Với mục tiêu đầu tư của dự án là từng bước hoàn thiện hạ tầng KCN số 3- KKT Nghi Sơn nhằm thu hút đầu tư vào khu công nghiệp. Việc đầu tư nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng giao thông tại Khu Kinh tế Nghi Sơn là một trong những yếu tố quan trọng để tăng cường thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Khu kinh tế Nghi Sơn với tổng diện tích 106.000 ha
Dự án có quy mô đầu tư: tuyến N1 dài 1.511,41m; tuyến N2 dài 1.321,5m. Tuyến n3 dài 4.742,7m. Tổng chiều dài các tuyến là 7.575,61m. Xây dựng tuyến kênh thoát nước L= 2.401,26m và cầu tại Km0+ 104,95 (Cầu B=43m, nhịp 2x12m).
Tổng mức đầu tư là 921.818 triệu đồng gồm chi phí xây dựng 545.560 triệu đồng. Chi phí QLDA 5.576 triệu đồng. Chi phí TVĐT 18.410 triệu đồng, chi phí khác 3.513 triệu đồng. Chi phí dự phòng 248.759 triệu đồng. Chi phí giải phóng mặt bằng 100.000 triệu đồng. (Sau đó dự án có tổng mức đầu tư điều chỉnh ( điều chỉnh cơ cấu) là 921.818 triệu đồng. Gồm chi phí xây dựng, thiết bị là 763.295 triệu đồng, chi phí QLDA 7.237 triệu đồng. Chi phí TVĐT 23.386 triệu đồng. Chi phí khác 6.186 triệu đồng. Chi phí dự phòng 21.714 triệu đồng. Chi phí giải phóng mặt bằng 100.000 triệu đồng. Nguyên nhân do nâng cao độ các tuyến đường N1, N2 và N3. Điều chỉnh hệ thống điện chiếu sáng, điều chỉnh hướng tuyến và kéo dài 600m tuyến N4. Bổ sung mương hở thoát nước từ cầu Hóm đến cầu Hổ và bổ sung 02 cầu qua mương.)
Điều đáng nói, ở dự án này dù thiết kế bản vẽ thi công chưa được phê duyệt nhưng công trình vẫn được “tạo điều kiện” để khởi công xây dựng vào ngày 28/7/2015. Điều này đã vi phạm quy định tại Khoản 1, điều 107, Luật Xây dựng số 50/2014/QH13.
Hơn nữa, dù ở đây gói thầu Tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công- dự toán, thi công xây lắp công trình của dự án này chưa đủ điều kiện khởi công do chưa có thiết kế bản vẽ thi công được duyệt nhưng sau khi ký hợp đồng, Ban QL KKT Nghi Sơn vẫn “ưu ái” cho nhà thầu tư vấn thiết kế và nhà thầu xây dựng tạm ứng hợp đồng.
Cụ thể, ngày 19/8/2015, tạm ứng số tiền 105.000 triệu đồng, ngày 24/8/2015, tạm ứng 15.896 triệu đồng, ngày 10/9/2015, tiếp tục được tạm ứng 154.363 triệu đồng . Dù đến tận ngày 14/10/2016 thì hạng mục đầu tiên tại dự án này mới được phê duyệt bản vẽ thiết kế thi công.
Việc tạm ứng vốn đầu tư khi chưa thi công là chưa tuân thủ Điều 18, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng. Dẫn đến dự án có số dư tạm ứng chưa thu hồi lên đến con số 238.122 triệu đồng do tiến độ thi công chậm kéo theo việc chậm thu hồi tạm ứng.
Hoàng loạt vi phạm được chỉ ra!
Ngoài sai phạm liên quan đến những vấn đề trên thì dự án này còn vi phạm về hợp đồng kinh tế giữa Chủ đầu tư và nhà thầu của dự án.
Tại đây, vấn đề gói thầu Tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công- dự toán, thi công xây dựng công trình thuộc dự án Đầu tư xây dựng các tuyến giao thông trục chính phía tây –KKT Nghi Sơn đã có sai phạm khi không quy định chi tiết thời gian hoàn thành thiết kế bản vẽ thi công để xác định thời điểm thi công, làm cơ sở cho tạm ứng hợp đồng và chưa có điều khoản quy định mức thu hồi tạm ứng qua các lần thanh toán theo quy định tại điểm đ, Khoản 5, Điều 18, Nghị định 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng.
Thời gian thực hiện hợp đồng là 44 tháng (từ 28/7/2015 đến 30/3/2019) nhưng chỉ mới thi công được 34,1% khối lượng hợp đồng. Như vậy, đây là dự án được xếp vào diện khả năng chậm tiến độ. Nguyên nhân chậm tiến độ dự án này được xác định là do công tác thiết kế bản vẽ thi công chậm kéo theo chậm triển khai thi công so với tiến độ cam kết trong hợp đồng EC.
Ngoài ra, công tác lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán khi hồ sơ thiếu thiết kế bản vẽ chi tiết ống cống ly tâm các loại cũng là sai sót lớn.
Mặt khác, việc xác định khối lượng thi công đào, đắp nền đường và các công trình bằng máy hay thủ công thiếu cơ sở, chỉ ước tính. Dự toán của dự án có sai sót tính thừa chi phí giám sát đánh giá đầu tư 1.115 triệu đồng, chi phí quản lý dự án tính thừa lên 966 triệu đồng, chi phí giám sát thi công xây dựng công trình tính đội lên 1.071 triệu đồng...
Về gói thầu rà phá bom, mìn, vật nổ tại dự án này do Bộ tư lệnh Quân đoàn I phê duyệt phương án KTTC rà phá bom, mìn, vật nổ chưa tuân thủ theo quy định tại Khoản 3.2 và 3.3 Mục 3 Phần II ( Quy trình triển khai Rà phá Bom, mìn, vật nổ). Thông tư 146/2007/TT-BQP ngày 11/9/2007 của Bộ Quốc Phòng về Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 96/2006/QĐ-TTg ngày 04/5/2006 của Thủ tướng chính phủ về quản lý và thực hiện công tác rà phá bom, mìn, vật nổ.
Về quản lý chi phí đầu tư, giá cả tại dự án này cũng có nhiều bất cập khi việc xây dựng, quản lý đơn giá có nhiều sai sót dẫn đến làm tăng chi phí đầu tư như sai khối lượng vải địa kỹ thuật 2.889 triệu đồng, sai khối lượng đệm vữa bó vỉa, đắp đất hoa màu giải phân cách giữa... là 1.286 triệu đồng.
Như vậy, để xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trên, trách nhiệm thuộc về Ban quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa là đơn vị chủ đầu tư dự án. Việc cho phép nhà thầu thi công tạm ứng hợp đồng không đúng quy định, cũng như các sai phạm khác đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư với dự án. Do đó, việc làm rõ trách nhiệm cũng như nghiêm túc kiểm điểm đối với tập thể và các cá nhân liên quan là vô cùng cần thiết. Để các dự án triển khai tiếp theo tại đây sẽ không đi vào “vết xe đổ” về những sai phạm tương tự.
Hoài Thu - Lê Nam