Thành phần đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp gồm: Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương như Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi, Văn phòng Bộ, Cục Công nghiệp, Cục Điện lực và Năng lương tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Dầu khí và Than, Vụ Chính sách thương mại đa biên.

Thành phần đoàn Nhật Bản bao gồm: Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, cùng với đại diện các đơn vị chức năng liên quan của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) và các cán bộ của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Nishimura Yasutoshi
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Nishimura Yasutoshi.

Tại Kỳ họp, hai Bộ trưởng bày tỏ hài lòng về những thành tựu quan trọng đạt được kể từ Kỳ họp Ủy ban hỗn hợp lần thứ 5 tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản vào tháng 8 năm 2022, trong đó những nội dung hợp tác đã thống nhất được triển khai tích cực trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại và năng lượng.

Hai Bộ trưởng tái khẳng định, vai trò quan trọng của cơ chế họp Ủy ban hỗn hợp trong tháo gỡ các khó khăn, đảm bảo sự ổn định và liên tục đối với phát triển quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước. Hai Bộ trưởng cũng thống nhất thảo luận các cách thức để Việt Nam và Nhật Bản cùng hợp tác thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư; tăng cường khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng; phát triển nền kinh tế số; phát triển năng lượng tái tạo và phát thải carbon thấp; thúc đẩy nhanh công nghiệp hóa tại Việt Nam…

Các đại biểu tham dự kỳ họp
Các đại biểu tham dự kỳ họp

Trong khuôn khổ hợp tác công nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao đóng góp của các nhà đầu tư Nhật Bản trong việc thúc đẩy, nâng cao năng lực sản xuất góp phần đưa nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Nhật Bản và toàn cầu trong những năm qua, đồng thời đề nghị Bộ METI phối hợp tạo thuận lợi và khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chuyển dịch đầu tư và chuỗi cung ứng sản xuất sang Việt Nam, nhất là trong các ngành công nghiệp trọng điểm và công nghiệp hỗ trợ.

Hai Bộ trưởng đánh giá cao thành quả hợp tác song phương trong ngành công nghiệp ô tô, thể hiện qua việc triển khai có hiệu quả “Kế hoạch hành động hợp tác thuộc lĩnh vực công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ”, cùng một số dự án hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các nhà sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô của Việt Nam. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên mong muốn hai Bên tiếp tục duy trì trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và chính sách phát triển cho các dòng phương tiện thân thiện với môi trường.

Tại Kỳ họp, hai Bộ trưởng nhất trí việc thành lập Nhóm công tác chung giữa hai Bộ nhằm xây dựng các dự án đồng sáng tạo hướng tới tương lai của hai quốc gia, qua đó hợp tác để thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp hướng tới tương lai như chất bán dẫn, AI, công nghiệp không gian, công nghệ sinh học… là xu thế tất yếu, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia.

Trong lĩnh vực thương mại, hai Bộ trưởng đã thảo luận trao đổi các nội dung hợp tác thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, thông qua việc triển khai có hiệu quả các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và Khuôn khổ hợp tác đa phương mà hai nước cùng là thành viên.

Về CPTPP, hai Bộ trưởng hoan nghênh Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực đối với toàn bộ các nước ký kết ban đầu và việc Vương quốc Anh trở thành nền kinh tế thứ 12 gia nhập CPTPP vào năm 2023. Hai Bộ trưởng cũng thống nhất quan điểm sự mở rộng Hiệp định cần dựa trên cơ sở duy trì các tiêu chuẩn cao của Hiệp định, cũng như những kinh nghiệm mà các thành viên CPTPP đã đúc kết được từ quá trình đàm phán gia nhập của Vương quốc Anh.

Về RCEP, hai Bộ trưởng hoan nghênh việc thành lập Đơn vị hỗ trợ RCEP sẽ giúp việc thực thi Hiệp định đạt hiệu quả cao, đồng thời đánh giá cao việc một số nền kinh tế quan tâm đến việc gia nhập Hiệp định.

Trong khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF), hai Bộ trưởng hoan nghênh việc các nước thành viên hoàn tất cơ bản các nội dung đàm phán thuộc Trụ cột II về chuỗi cung ứng, hướng tới mục tiêu hoàn tất thủ tục trong nước và ký kết trong thời gian tới.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm tồn tại nhiều nhân tố khó dự đoán, hai Bên nhất trí phối hợp chặt chẽ tìm kiếm các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao kim ngạch thương mại song phương theo hướng cân bằng, đồng thời đẩy mạnh hợp tác phát triển thương mại điện tử, kinh tế số, mở cửa thị trường các sản phẩm nông sản, triển khai nhiều hơn nữa các hoạt động xúc tiến tạo cơ hội cho doanh nghiệp hai nước giao thương, trao đổi thương mại và đầu tư...

Về hợp tác năng lượng, Bộ trưởng Nishimura Yasutoshi hoan nghênh việc Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII, hướng tới quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch với việc trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới cam kết tham gia Ðối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP). Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản tăng cường đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam.

Đánh giá cao Sáng kiến Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 Châu Á (AZEC) được khởi xướng bởi Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ vui mừng khi Cuộc họp khởi động Nhóm Công tác xúc tiến AZEC đã được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10 vừa qua, đồng thời khẳng định Bộ Công Thương sẵn sàng phối hợp trong phạm vi chức năng nhiệm vụ với Bộ METI để Hội nghị cấp cao AZEC có thể được tổ chức thành công tại Nhật Bản trong tháng 12 sắp tới.

Hai Bộ trưởng đánh giá cao nỗ lực của hai Bộ trong việc nghiên cứu, xây dựng dự thảo và đề nghị thúc đẩy sớm ký kết Biên bản hợp tác về chuyển dịch năng lượng, nhằm hỗ trợ cụ thể hoá lộ trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

Hai Bộ trưởng nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ cùng hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai một số dự án năng lượng do có sự tham gia của nhà đầu tư Nhật Bản đồng thời thúc đẩy hợp tác năng lượng về đốt trộn sinh khối, điện gió ngoài khơi, đất hiếm...

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao thiện chí hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản và cho biết Bộ Công Thương đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan liên quan của Việt Nam để thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án năng lượng giữa doanh nghiệp hai nước. Nhằm mục đích kêu gọi mở rộng đầu tư từ Nhật Bản, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ luôn ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án đầu tư nước ngoài có thể giúp Việt Nam chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững, hướng tới đạt mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050.

Kết thúc Kỳ họp, hai Bộ trưởng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của hai Bộ sẽ sớm trao đổi, triển khai các nội dung hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng mà hai Bên đã thống nhất tại Kỳ họp thứ Sáu lần này nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp sẵn có giữa hai nước, đồng thời đóng góp vào thành tựu chung trong năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Tại Kỳ họp, hai Bộ trưởng cũng chứng kiến Lễ trao Bản thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, bao gồm: (i) MOU giữa công ty KDDI Việt Nam và FPT Software Strategic Business Alliance về hợp tác chiến lược, cung cấp giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho khách hàng là doanh nghiệp; và (ii) MOU giữa công ty Aureole CSD và Trường Đại học Xây dựng Miền Tây về việc hợp tác xây dựng các chương trình có thể ứng dụng vào phát triển nguồn nhân lực và phần mềm chuyên dụng đáp ứng chuyển đổi số trong lĩnh vực xây dựng.

Minh Anh