Cách đây 50 năm, ngày 21/5/1973, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101, quy định hệ thống tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Kiểm lâm Nhân dân, đánh dấu sự ra đời chính thức của lực lượng chuyên trách làm công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tiếp đó, ngày 15/11/1973, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa được thành lập.
Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, lực lượng kiểm lâm Thanh Hóa đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, từng bước khẳng định được vị trí quan trọng của mình trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cũng như đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh.
Với phương châm "sát dân, bám rừng" - lực lượng kiểm lâm Thanh Hóa đã ngày đêm bám sát địa bàn, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, đấu tranh trấn áp các ổ nhóm lâm tặc, các đường dây buôn lậu lâm sản.
Tại Thanh Hoá, tính đến cuối năm 2022 toàn tỉnh có trên 648.370 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó rừng tự nhiên 393.359,9 ha, rừng trồng trên 255.010 ha và được quy hoạch thành 3 loại rừng, gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất.
Những năm qua, số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp hàng năm đều giảm sâu: Năm 2020, số vụ vi phạm pháp luật Lâm nghiệp giảm 16,22%; năm 2021 giảm 21% và năm 2022 giảm trên 16%; đặc biệt là không để hình thành các "điểm nóng" về phá rừng, khai thác rừng, buôn bán lâm sản trái phép. Công tác phòng cháy chữa cháy rừng luôn được Chi cục Kiểm lâm triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt bằng nhiều giải pháp, trong đó có sự tham gia phối hợp hiệu quả của nhiều lực lượng và quần chúng Nhân dân.
Lực lượng kiểm lâm được Nhà nước giao thêm nhiệm vụ phát triển rừng, trực tiếp làm chủ dự án trồng rừng sản xuất theo Quyết định 147/QĐ của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời được UBND tỉnh, UBND các huyện giao hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác trồng rừng của Nhân dân và hướng dẫn, chỉ đạo trồng cây xanh phân tán. Mỗi năm, toàn tỉnh trồng trên 10.000 ha rừng tập trung và hàng triệu cây phân tán.
Lực lượng kiểm lâm Thanh Hóa đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất và Huân chương Độc lập hạng Ba. Nhiều cán bộ kiểm lâm được Nhà nước tặng thưởng huân chương lao động, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch UBND tỉnh.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, Lê Đức Giang đã biểu dương những thành tích của lực lượng kiểm lâm Thanh Hóa trong 50 năm qua; đồng thời nhấn mạnh:
Thời gian tới, lực lượng kiểm lâm cần tiếp tục làm tốt công tác phối hợp trong quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng; phải có khát vọng và hiện thực hóa khát vọng về một nền lâm nghiệp hiện đại, sáng tạo, phát triển hài hòa và bền vững trên các mặt kinh tế - xã hội, môi trường;
Tham mưu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trồng mới, chuyển hóa rừng theo hướng kinh doanh gỗ lớn gắn với chứng chỉ FSC để gia tăng giá trị thương mại lâm sản; rà soát, hoàn thiện lại cơ sở dữ liệu về rừng, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với cơ sở dữ liệu đất đai;
Tham mưu cấp có thẩm quyền tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế quản lý 3 loại rừng, trọng tâm là gìn giữ, phát huy giá trị ĐDSH của trên 82.000 ha rừng đặc dụng; đảm bảo tỷ lệ hài hòa về diện tích rừng phòng hộ, sản xuất trong ứng phó biến đổi khí hậu, điều tiết nguồn nước...
Lê Nam