Nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất
Theo thông tin mới nhất từ ngày 5/6, với biểu lãi suất huy động tiền gửi online mới nhất, các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất trong ngày đầu tuần.
NCB tiếp tục giảm lãi suất kể từ ngày đầu tuần. Mức giảm từ 8,1% xuống còn 7,9%/năm đối với tiền gửi online kỳ hạn 6-9 tháng. Kỳ hạn 12-13 tháng cũng được NCB điều chỉnh giảm nhẹ từ 9,15% xuống 8,1%/năm. Lãi suất các kỳ hạn 15-18 tháng cũng giảm từ 8,05% xuống 8%/năm.
Từ đầu tháng 5 đến nay, đây là lần thứ 4 liên tiếp NCB điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm.
Với diễn biến mới nhất, biểu lãi suất tiết kiệm online tại NCB kỳ hạn 1 - 5 tháng là 5%/năm; kỳ hạn 6 - 9 tháng là 7,9%/năm; kỳ hạn 10 - 11 tháng là 7,95%/năm. Kỳ hạn 12 - 13 tháng là 8,10%/năm; kỳ hạn 15 - 18 tháng là 8%/năm; kỳ hạn 24 - 30 tháng là 7,9%/năm; kỳ hạn 36 tháng là 7,8%/năm.
Tương tự, NamA Bank cũng công bố giảm lãi suất huy động lần thứ 3, kể từ đầu tháng 5. Tuy nhiên, mức giảm ở mức "nhỏ giọt", 0,1 – 0,3 điểm phần trăm đối với tiền gửi các kỳ hạn 6 tháng trở lên.
Theo đó, lãi suất tiền gửi online mới nhất, kỳ hạn 6-7 tháng tại NamA Bank là 7,9%/năm; kỳ hạn 8 - 9 tháng là 7,8%/năm. Kỳ hạn 10 - 11 tháng là 7,6%/năm; kỳ hạn 12 - 14 tháng là 7,8%/năm. Lãi suất các kỳ hạn từ 15 tháng trở lên, được ấn định mức 7,6%/năm.
Thông tin tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/6, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, sau rất nhiều động thái điều hành của NHNN từ tháng 3 đến tháng 5, mặt bằng lãi suất cũng cho vay đã giảm, số liệu gần đây cho thấy lãi suất cho vay của các bảng vay mới bình quân hiện tại khoảng 9,07%, giảm 0,9% so với cuối năm ngoái.
“Với số liệu như thế này, chúng tôi tin tưởng rằng mặt bằng lãi suất đang giảm và cũng sẽ giảm trong thời gian tới”, ông Hà cho hay.
Ngoài giải pháp ngành ngân hàng, Phó Thống đốc cho rằng, giải pháp tăng sức cầu của nền kinh tế rất quan trọng. Do vậy, các bộ ngành cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ trợ doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, xúc tiến, tìm kiếm, phát triển, tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ, thị trường bất động sản, qua đó tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cũng như nâng cao năng lực tài chính, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng.
![Lãi suất ngân hàng đang giảm mạnh Lãi suất ngân hàng đang giảm mạnh](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2023/06/05/lai-suat-ngan-hang-hom-nay-12-6-lai-suat-lien-ngan-hang-lai-suat-huy-dong-giam-sau-053623-1685936892.jpg)
Thúc đẩy nền kinh tế đi lên
Theo đánh giá của NHNN, hiện nay, lãi suất cho vay mới phát sinh đối với nền kinh tế đã giảm 0,6% so với cuối năm 2022 và tiếp tục có xu hướng giảm trong thời gian tới.
Ngoài ra, cuối tháng 4/2023, Thủ tướng Chính phủ cũng đã họp cùng với bốn ngân hàng thương mại nhà nước và các bộ, ngành để bàn một số các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản và các định hướng giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế.
Với sức ảnh hưởng của 4 ngân hàng thương mại nhà nước chiếm trên 50% thị trường tín dụng của Việt Nam, việc các ngân hàng này đồng thuận rất cao với chủ trương của Chính phủ và NHNN trong việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới - được kỳ vọng tiếp tục điều tiết lãi suất giảm thấp hơn nữa.
Xu hướng giảm lãi suất, cũng như chính sách tiền tệ có tính chất nới lỏng hơn, được các chuyên gia đặt nhiều kỳ vọng sẽ hỗ trợ tốt cho nền kinh tế và thúc đẩy các kênh đầu tư, tuy nhiên, thị trường cũng sẽ cần khoảng một thời gian để điều tiết.
Ông Michael Kokalari - chuyên gia Kinh tế trưởng của Vina Capital cho biết, mức trung bình của lãi suất huy động 12 tháng đã giảm khoảng 2% so với lãi suất của đầu năm nay (xuống khoảng 6%) để thúc đẩy thị trường bất động sản Việt Nam phục hồi và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nói chung. Việc NHNN giảm lãi suất điều hành gây hiệu ứng giúp giảm lãi suất huy động dài hạn, nhưng để lãi suất tiền gửi giảm hơn nữa, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng Việt Nam cần phải cải thiện hơn.
Ông Michael Kokalari nêu:
"Với diễn biến lãi suất giảm dần, trong giai đoạn quý II và quý III/2023, sẽ có nhiều khoản tiền gửi ngân hàng đáo hạn và người gửi tiết kiệm sẽ phải lựa chọn tái tục tiền gửi với lãi suất thấp hơn, hoặc dùng số tiền đó đầu tư vào thị trường chứng khoán (phần lớn tiền gửi ở Việt Nam có kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng).
Theo đó, thị trường chứng khoán có xu hướng bắt đầu tăng trước khi nền kinh tế phục hồi, cùng với việc chỉ số VN-Index đang giao dịch ở mức định giá gần như thấp nhất trong 10 năm.
Đặc biệt, tiêu dùng nội địa ở Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định và người tiêu dùng vẫn duy trì niềm tin, lượng khách du lịch nước ngoài đã tăng vọt lên hơn 60% so với mức trước Covid-19…, cũng là những lý do để doanh nghiệp có thể đặt kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi trong nửa cuối năm.
Trang Nguyễn