Chỉ số thương mại điện tử được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam công bố hằng năm. Chỉ số này tổng hợp từ ba chỉ số thành phần, gồm: Nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin; giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng và giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.
Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2022 vừa được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam công bố, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng với 90,6 điểm. Đứng thứ hai là thành phố Hà Nội với 85,9 điểm, tăng 30,2 điểm so với năm 2021.
Top 5 địa phương dẫn đầu về chỉ số thương mại điện tử không thay đổi khi Đà Nẵng tiếp tục xếp vị trí thứ ba với 36,6 điểm; theo sau là Bình Dương và Đồng Nai.
Báo cáo cũng cho biết, điểm trung bình chỉ số thương mại điện tử năm nay là 20,4. Vẫn còn khoảng cách rất lớn giữa hai đầu cầu kinh tế là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh còn lại.
Có tới 38 địa phương đạt điểm dưới trung bình. Các địa phương xếp cuối bảng như: Tuyên Quang, Hòa Bình, KonTum… có số điểm cách xa với phần còn lại, cá biệt như Tuyên Quang chỉ đạt 9,2 điểm - cách biệt khoảng lớn với TP. Hồ Chí Minh.
Tỉnh Lâm Đồng xếp thứ hạng 20 trên tổng số 56 địa phương tham gia xếp hạng. Tuy nhiên, trong khu vực miền Trung- Tây Nguyên, thứ hạng thương mại điện tử Lâm Đồng vẫn còn đứng cao hơn các tỉnh lân cận, chứng tỏ mức độ phát triển chênh lệch lớn trong thương mại điện tử giữa các khu vực thành phố lớn và địa phương miền núi - duyên hải. Đây cũng là yếu tố mà Lâm Đồng cần tiếp tục khắc phục để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử rộng rãi hơn trong hoạt động kinh tế.
Trên thực tế, thu hẹp khoảng cách thương mại điện tử giữa các tỉnh, thành phố vẫn luôn là một trong những thách thức lớn tại Việt Nam. Đặc biệt là các địa phương thuộc khu vực phía Bắc và Tây Nam Bộ có mức độ phát triển thương mại điện tử thấp nhất khi đứng ở cuối bảng xếp hạng.
Phong Vân