Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thanh Sơn nhấn mạnh: Hội nghị là dịp để các sở ngành, huyện, thành phố tiếp tục nắm bắt tình hình hoạt động của hợp tác xã, từ đó trao đổi, giải quyết làm rõ thêm về các kiến nghị của HTX theo thẩm quyền và ghi nhận các đề xuất để từng ngành cần giải quyết với tinh thần, trách nhiệm nhanh, khẩn trương, hiệu quả thiết thực. Đồng thời, UBND tỉnh Lạng Sơn mong muốn tạo thêm một diễn đàn để các doanh nghiệp, HTX gặp gỡ, đẩy mạnh công tác trao đổi và cùng nhau đạt được những thỏa thuận bước đầu, đặt nền móng cho sự hợp tác liên kết hỗ trợ giữa doanh nghiệp với Liên minh HTX; liên kết giữa doanh nghiệp và từng HTX để tạo chuỗi liên kết sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm từ hôm nay và cho giai đoạn tiếp theo.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được thông tin về việc phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Cụ thể, hiện toàn tỉnh có trên 500 hợp tác xã với số thành viên trên 5.520 người; tổng số vốn đăng ký khoảng 1.150 tỷ đồng; tổng số lao động thường xuyên trong HTX là 8.110 người. Trung bình mỗi năm Lạng Sơn thành lập mới khoảng 25 hợp tác xã, riêng năm 2022 thành lập mới 67 HTX; năm 2023 thành lập mới 45 HTX (đạt 100% kế hoạch); quý I/2024 thành lập mới 15 HTX đạt 33,3% kế hoạch.
Lạng Sơn hiện có 147 sản phẩm OCOP (23 sản phẩm 4 sao, 124 sản phẩm 3 sao). Số lượng và cơ cấu chủ thể có sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP là 50 chủ thể. Trong đó, có 21 chủ thể là HTX (chiếm 42%), 5 chủ thể là doanh nghiệp, 16 chủ thể là hộ sản xuất kinh doanh, 8 chủ thể là tổ hợp tác. Số lượng chủ thể là HTX chiếm tỷ lệ cao góp phần nâng cao sự liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu cho nông sản của tỉnh. Từ đó đã giảm dần việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Quy mô vốn, lĩnh vực hoạt động của hợp tác xã được mở rộng; cán bộ quản lý của hợp tác xã được đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ; một số hợp tác xã có đội ngũ cán bộ tâm huyết, có kinh nghiệm, nhạy bén với cơ chế thị trường, mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, đến nay khu vực kinh tế tập thể của tỉnh phát triển chưa đạt mục tiêu đề ra: Tốc độ tăng trưởng, tỉ lệ đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GRDP của tỉnh còn thấp; Số nộp ngân sách nhà nước của HTX năm 2023 là 12,5 tỷ đồng (chiếm 2,1% trong tổng số thu ngân sách từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các hợp tác xã); Số lượng hợp tác xã tuy đã tăng nhưng phần lớn hợp tác xã quy mô nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp, lợi ích mang lại cho thành viên thấp, hoạt động sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả, doanh thu hằng năm trung bình đạt khoảng 1,2 tỷ đồng/hợp tác xã, thu nhập bình quân của người lao động khoảng 05 triệu đồng/tháng.
Các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã và giữa hợp tác xã với các tổ chức kinh tế khác còn rất ít và chưa phổ biến; chưa xây dựng được nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới quy mô lớn, việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản thông qua hợp đồng kinh tế còn hạn chế; nhiều hợp tác xã chuyển đổi, tổ chức lại còn mang tính hình thức, chưa thực sự chuyển biến về chất, vẫn còn hợp tác xã tổ chức hoạt động chưa tuân thủ theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã hiện hành.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe các tham luận của các cơ quan, đơn vị, các HTX, hộ kinh doanh về các nội dung như: tiêu thụ sản phẩm và phương thức quảng bá tiêu thụ trên thị trường; ứng dụng chuyển đổi số trong kinh doanh, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường; cách thức quảng bá sản phẩm trên các nền tảng số; các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể…
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thanh Sơn đánh giá cao vai trò, kết quả đạt được của KTTT, HTX thời gian qua và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham gia tại Hội nghị.
Để thúc đẩy và đưa KTTT, HTX tỉnh Lạng Sơn có bước khởi sắc, thật sự trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị: Các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ chủ động, hướng dẫn các tổ chức, HTX tiếp cận hiệu quả với các chính sách hỗ trợ phát triển trong sản xuất, kinh doanh, giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất của HTX, tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất kinh doanh; triển khai hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tập trung thực hiện, làm thay đổi nhận thức của cán bộ các cấp, của cộng đồng về tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình OCOP.
Đồng thời, các đơn vị tiếp tục rà soát, nghiên cứu, chủ động đề xuất hoàn thiện các chính sách của tỉnh đối với kinh tế tập thể (KTTT), HTX theo hướng hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa theo quy định của pháp luật; Nghiên cứu, hỗ trợ ứng dụng sáng tạo khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ số, kinh tế tri thức cho phát triển KTTT, HTX; tăng cường công tác vân động xúc tiến đầu tư, tìm kiếm các doanh nghiệp, giới thiệu hỗ trợ các HTX trong tư vấn, chuyển đổi số, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ xây dựng tạo thành chuỗi liên kết sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.
Đối với Liên minh HTX, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị các đơn vị tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò, nhiệm vụ là cơ quan đại diện, cầu nối giữa các HTX với các cơ quan chính quyền trong triển khai các chủ trương, kế hoạch của tỉnh về phát triển kinh tế tập thể; xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai các Biên bản, thỏa thuận đã ký kết tại Hội nghị ngày hôm nay và phối hợp hướng dẫn các hợp tác HTX thực hiện tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, tạo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Đối với các HTX, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Thanh Sơn đề nghị các HTX cần nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ; nghiên cứu những mô hình quản trị KTTT, HTX tiên tiến, hoạt động có hiệu quả; có kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế; vận dụng sáng tạo khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ số; huy động mọi nguồn lực hợp pháp để phát triển; tăng cường các mô hình liên doanh, liên kết hợp tác sản xuất giữa các HTX, để tạo chuỗi liên kết sản xuất kinh doanh nâng cao giá trị và năng suất lao động. Đồng thời, các HTX cần tích cực tham gia đề xuất cơ chế chính sách, huy động nguồn lực phát triển KTTT, HTX; Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý, điều hành HTX nhằm tạo động lực cho khu vực HTX phát triển.
Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp kết nối, tiêu thụ sản phẩm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn mong muốn các đơn vị tiếp tục quan tâm, đồng hành cùng với tỉnh Lạng Sơn, các hợp tác xã trong phát triển kinh tế, xã hội và sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp chủ động sớm cụ thể hóa các nội dung đã ký kết với các HTX góp phần hỗ trợ để các HTX đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu của mình trên thị trường, tạo cơ sở để các HTX tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trong chương trình, đã ký kết 06 bản thỏa thuận ghi nhớ, hợp tác giữa HTX và doanh nghiệp, đồng thời, trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho 05 hợp tác xã có thành tích tiêu biểu trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Triệu Thành