Phó Chủ tịch, Trưởng BCĐ 389 tỉnh Lạng Sơn, Nguyễn Công Trưởng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Báo cáo tại hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn, Nguyễn Văn Trường cho biết:
Trong 6 tháng đầu năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh đã giảm so với cùng kỳ, nhưng vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp theo thời vụ, tại một số khu vực biên giới.
Mặt hàng nhập lậu chủ yếu là hàng may mặc, đồ điện gia dụng, điện tử, mỹ phẩm, thực phẩm công nghệ, gia cầm giống và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm… trong đó, có nhiều mặt hàng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, giả nguồn gốc, xuất xứ.
Phương thức, thủ đoạn hoạt động buôn lậu vẫn là lợi dụng đêm tối, địa hình đường núi hiểm trở để mang vác nhỏ lẻ hàng hóa theo các đường mòn qua biên giới, thuộc một số khu vực như: Gốc Nhãn, Gốc Bưởi, Đồi 386, khe Bà Lan, mốc 474, mốc 1098-1099 (thuộc xã Tân Mỹ, Văn Lãng); khu vực Rọ Bon, Đồi Cao, Đồi Keo (thuộc xã Tân Thanh, Văn Lãng); khu vực đường mòn dốc 05, 06, Thác Ném (thuộc địa bàn thị trấn Đồng Đăng, Cao Lộc)... sau đó, các đố tượng sử dụng hóa đơn bán hàng, hóa đơn giá trị gia tăng để ghi cho số hàng hóa qua các đường mòn trên để lưu thông trên thị trường, xé lẻ hàng hóa và vận chuyển vào sâu trong nội địa…
Tình hình gian lận thương mại tại khu vực biên giới chủ yếu là các hành vi lợi dụng quy trình, thủ tục hải quan nhằm gian lận về số lượng, chủng loại, mã hàng hóa, xuất xứ hàng hóa... để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.
Trong khu vực nội địa, các đối tượng thường thực hiện các hành vi gian lận về số lượng, chất lượng, giá hàng hóa ghi trên hóa đơn.
Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý hoạt động kinh doanh, vận chuyển hàng hóa nhập lậu dọc tuyến quốc lộ 1A, 1B; việc xuất nhập cảnh trái phép, mang vác hàng lậu, xây dựng các công trình trái phép nhằm tiếp tay cho hoạt động buôn lậu tại các khu vực biên giới các huyện: Lộc Bình, Văn Lãng, Cao Lộc...
Đồng thời, Ban chỉ đạo 389 các huyện, thành phố tăng cường bám nắm tình hình, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu ngay từ biên giới; trong đó tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng tăng cường phối hợp, quản lý chặt chẽ việc sử dụng hóa đơn chứng từ, nhất là hóa đơn bán hàng, hóa đơn giá trị gia tăng đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh khu vực biên giới.
Qua đó, trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã kiểm tra, 3.181 vụ (bằng 100,41% so cùng kỳ năm 2018); xử phạt vi phạm hành chính 2.423 vụ (bằng 107,74% so cùng kỳ năm 2018). Tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính là trên 61,4 tỷ đồng (bằng 123,18% so cùng kỳ năm 2018). Trị giá tang vật tịch thu được hơn 23 tỷ đồng; đã khởi tố 220 vụ, với 290 đối tượng.
Quang cảnh hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn, Nguyễn Công Trưởng cho rằng, tình hình buôn lậu 6 tháng đầu năm có diễn biến phức tạp - nếu các lực lượng chức năng lơ là việc đấu tranh thì nguy cơ dẫn đến việc bùng phát, mất kiểm soát tình hình là rất cao.
Qua đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Công Trưởng đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm để tập trung đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.
Cụ thể, tại khu vực biên giới, lực lượng biên phòng chủ trì phối hợp với ngành hải quan, ngăn chặn triệt để tình trạng buôn lậu và xuất nhập cảnh trái phép. Không để hình thành những đường dây, tụ điểm buôn lậu khu vực biên giới.
Xiết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính về công tác cán bộ, xử lý nghiêm cán bộ công chức thực thi nếu có biểu hiện tiêu cực.
Các địa phương khu vực biên giới, tiếp tục quản lý tốt địa bàn và là cơ quan chủ trì chỉ đạo công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Không để phát sinh diễn biến phức tạp về buôn lậu trên địa bàn.
Các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, không để hình thành các điểm nóng về buôn lậu; tăng cường quản lý hàng nhập khẩu tại cửa khẩu, hàng tạm nhập tái xuất; tiếp tục quản lý tốt địa bàn, thực hiện kiểm tra, ngăn chặn, bắt giữ đối với các mặt hàng liên quan đến an toàn thực phẩm, pháo nổ, gia súc gia cầm, công cụ hỗ trợ.
Các thành viên Ban chỉ đạo 389 tỉnh, chủ động triển khai thực hiện công tác chống buôn lậu trong lĩnh vực mình quản lý.
Đối với khu vực nội địa, cần tăng cường kiểm soát thị trường, quản lý chặt chẽ hóa đơn, chứng từ; kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các đường dây, đối tượng cầm đầu đường dây buôn lậu; tăng cường kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh nhãn mác hàng hoá, kiểm tra các mặt hàng xăng dầu, rượu, mỹ phẩm.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác chống buôn lậu trên địa bàn. Đẩy mạnh việc phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương để tăng cường tuyên truyền công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...
3 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chống buôn lậu được khen thưởng
Cũng tại hội nghị, thừa ủy quyền của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Phó Chủ tịch Nguyễn Công Trưởng đã trao Bằng khen của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho 3 tập thể và 5 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018.
Đặng Sinh