Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Dương Xuân Huyên phát biểu tại hội nghịPhó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Dương Xuân Huyên phát biểu tại hội nghị

Trong giai đoạn năm 2011-2020, toàn tỉnh Lạng Sơn đã đào tạo được trên 115,5 nghìn lao động, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 33% (năm 2010) lên 55% (năm 2020).

Các chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề được triển khai đồng bộ, bảo đảm 100% đối tượng tham gia học nghề được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ. Công tác đào tạo được quan tâm, ưu tiên các xã vùng sâu, vùng xa, xã đặc biệt khó khăn, các xã được lựa chọn chỉ đạo điểm đạt chuẩn nông thôn mới.

Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Lạng Sơn, Đoàn Thị Hậu biểu dương kết quả đạt được trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn 10 năm qua.

Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Lạng Sơn, Đoàn Thị Hậu nhấn mạnh, việc đào tạo nghề cần gắn với nhu cầu thực tế, gắn với cơ cấu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; quan tâm công tác phối hợp với các doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng lao động sau đào tạo; rà soát, đánh giá nhu cầu lao động của thị trường đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp. Cùng với đó, đánh giá hiệu quả của cơ sở vật chất, các trang thiết bị dạy nghề đã đầu tư cho các cơ sở dạy nghề; sự tác động của đào tạo nghề lên việc thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới; tình trạng thiếu lao động làm việc ở nông thôn.

Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Dương Xuân Huyên đề nghị các cấp, ngành, địa phương tiếp tục coi đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Qua đó, thực hiện rà soát nhu cầu đào tạo các trình độ trên địa bàn toàn tỉnh, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo từng năm, từng giai đoạn sát với thực tế nhu cầu người học và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Phó chủ tịch Dương Xuân Huyên nhấn mạnh: Cần triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền về lợi ích của việc học nghề, các mô hình về đào tạo gắn với tạo việc làm hoặc tự tạo việc làm sau đào tạo; các sáng kiến, giải pháp hiệu quả trong việc thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các cấp, ngành cần thực hiện tốt công tác phối hợp trong thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn; định hướng, tư vấn nghề cho lao động lựa chọn; tạo điều kiện thuận lợi để người lao động được vay vốn sản xuất kinh doanh và tạo việc làm sau khi học nghề.

Nhân dịp này, 9 tập thể, 4 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 1956, giai đoạn 2011-2020.

 PV