Tuổi thơ gian khó

Tôi biết Tuệ Dương (tên thật là Phan Thị Lựu) trong lần cùng đoàn phóng viên đi trao Quỹ Nhân ái của một cơ quan báo tại Thái Nguyên.

Dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, khuôn mặt xinh xắn, hòa đồng và cởi mở, Dương tâm sự, cô sinh ra tại xóm Bản Cái, xã Ôn Lương (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên), là người dân tộc Tày. Bố mẹ Dương quanh năm chỉ biết bám vào mấy sào ruộng, nhưng cũng không đủ ăn cho cả gia đình 4 người (Bố mẹ với 2 chị em, Dương là con gái lớn).

Phan Tuệ Dương, cô gái dân tộc Tày giàu lòng nhân ái
Phan Tuệ Dương, cô gái dân tộc Tày giàu lòng nhân ái

Khi đang ở tuổi ăn, tuổi học, Tuệ Dương đã biết ý thức - phụ giúp cha mẹ làm ruộng, trồng chè.  Tuổi thơ của cô cứ lớn dần bên cạnh thửa ruộng, luống khoai của gia đình và vạt đồi trồng chè xanh mướt mát bên cạnh ngôi nhà thấp lè tè, xiêu vẹo như chực chờ đổ sập bất cứ lúc nào. Cái nghèo cứ bám diết lấy cô bé, cả trong những giấc ngủ…

Là một trong những hộ nghèo nhất xã Ôn Lương, may mắn thay, năm 2002, một lần có đoàn từ thiện về địa phương tìm hiểu gia cảnh, họ đã quyết định xây tặng cho gia đình cô một ngôi nhà mới. Kể từ ấy, trong ký ức của Dương, không bao giờ quên và mong sao “lớn lên sẽ trả ơn cuộc đời” - bằng những việc thiện nguyện mà người khác đã san sẻ bớt những khó khăn cho gia đình mình.

Để thoát nghèo, năm 2016, em gái và cả mẹ Tuệ Dương đã rời lũy tre làng, sang Đài Loan theo diện xuất khẩu lao động. Xa mẹ, xa em gái, Dương chỉ biết kìm nén cảm xúc để tập trung học hành và nuôi ý chí “sẽ quyết tâm làm giàu bằng chính sức lực của mình”. Dương tự nhủ, dù khó khăn vất vả đến đâu, cô cũng cố gắng tự khắc phục và vươn lên.

Suy nghĩ giản đơn là vậy, khi đã đủ lớn khôn, Dương quyết định lên thành phố lập nghiệp. Đây là một quyết định mạo hiểm. Bởi không có đồng vốn làm ăn, không ai thân thuộc giúp đỡ, sẽ ra sao?

Dương nghĩ và tìm cách đi làm thuê; bán các loại cặp, túi xách ở vỉa hè với giá bình dân…, nhưng cũng chẳng lãi lờ là bao, để có nơi ăn chốn ở. Dẫu vậy, Dương đã tích cóp được ít tiền - làm vốn và sự nghiệp kinh doanh bắt đầu “nở hoa” từ đây! Cũng nhờ đó, đã cho cô thêm nghị lực phấn đấu và nhiều bài học sống thực tế từ trải nghiệm…

Phan Thị Lựu (Tuệ Dương) những khi quây quần bên gia đình
Phan Thị Lựu (Tuệ Dương) những khi quây quần bên gia đình

“Bén duyên” bất động sản

Chừng 10 năm trở lại đây, thành phố Thái Nguyên đã trở thành đô thị hiện đại, sầm uất, nơi cửa ngõ thông thương với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền núi trung du phía bắc. Chính quyền thành phố đã có những chính sách “trải thảm đỏ” nhằm thu hút vốn đầu tư của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước.

Các trung tâm thương mại mọc lên nhanh chóng. Các khu đô thị mới hiện đại bậc nhất phía bắc liên tiếp được khởi công - như “làn gió mới” đổi thay từng ngày. Nhu cầu mua bán, rót vốn đầu tư vào bất động sản, xây dựng cũng vì thế, ngày càng trở lên sôi động. Bởi đó là kênh đầu tư hiệu quả và đem lại mức sinh lời tốt nhất.

Đối với Dương, kinh doanh bất động sản cũng không hề đơn giản. Bởi cô nghĩ, bước chân vào nghề, thì bất cứ ai cũng phải trải qua quá trình đào tạo, học hỏi kinh nghiệm và nhất là phải nắm vững về luật pháp.  

Sau 5 năm kinh doanh, nhờ nhạy bén và uy tín ngày càng nâng cao, khách hàng đã tìm đến Tuệ Dương thông qua người này giới thiệu cho người khác, để được nghe Dương tư vấn, cung cấp thông tin chính xác và giải đáp cặn kẽ thủ tục, cũng như tính pháp lý của từng dự án, từng vị trí mà nhà đầu tư mong muốn.

Nhiều khách hàng cho biết, trong nhiều hoạt động của mình, nữ doanh nhân Tuệ Dương luôn đặt mình vào vị trí của một khách hàng, có như vậy, giữa 2 bên mới thật sự hiểu nhau, cùng đồng thuận và sẻ chia.

Nhờ đó, thành công nối tiếp thành công. Khách hàng ngày một tin tưởng, gần gũi và dành nhiều thiện cảm yêu mến cô bởi sự quyết đoán, trung thực và sẵn sàng phục vụ, tư vấn, đưa ra các giải pháp hợp lý khiến khách hàng tin tưởng, hài lòng.

Những việc làm từ tâm

Ngoài thành công trong kinh doanh bất động sản, với suy nghĩ hướng thiện, yêu thương và chia sẻ khó khăn với cộng đồng nên dù bận rộn trong công việc kinh doanh, nhưng mỗi lần tỉnh hay các chương trình thiện nguyện phát động phong trào từ thiện, cô đều hăng hái tham gia đóng góp tích cực.

Vợ chồng cô bàn tính, hàng tháng, công ty dành ra khoản tiền tương đương 30% lợi nhuận để  làm công tác từ thiện. Chỉ tính riêng năm ngoái, cô cùng nhóm các nhà hảo tâm đã xây dựng 24 căn nhà tình nghĩa cho các hoàn cảnh khó khăn, điểm trường học dân tộc nội trú ở các vùng khó khăn của tỉnh Thái Nguyên và một số tỉnh vùng núi phía bắc, tổng kinh phí hàng tỷ đồng (có căn trị giá nhất là 240 triệu đồng).

Cô gái dân tộc Tày đằm thắm bên người yêu
Cô gái dân tộc Tày đằm thắm bên người yêu

Từ đầu năm 2021 đến nay, mỗi khi có thông tin về trường hợp hoàn cảnh khó khăn, cô đều không quản ngại đường xá xa xôi, vất vả, đi xác minh tìm hiểu thực tế. Và Tuệ Dương đã trực tiếp giúp đỡ tận nơi 18 trường hợp, trao mỗi suất quà hàng chục triệu đồngTôi hỏi:

- Điều gì đã thôi thúc Tuệ Dương làm từ thiện?

Im lặng, đôi mắt long lanh dơm dớm nước mắt, cô nói: - Tuệ Dương làm, vì trách nhiệm cộng đồng! Lúc còn bé, sống trong hoàn cảnh khốn khó – chính điều đó đã “nuôi dưỡng” Dương tinh thần đùm bọc, sẻ chia và biết ơn người đã giúp đỡ mình!

Tinh thần ấy, vẫn thấm đẫm trong suy nghĩ của Tuệ Dương đến tận hôm nay và cả sau này.

Dương trải lòng: “Từ bé, tôi đã chứng kiến các đoàn thiện nguyện, các tổ chức từ thiện đã đến địa phương, trao tặng những phần quà cho các gia đình nghèo. Chính ngôi nhà tuổi thơ của tôi - được xây dựng lên nhờ sự hỗ trợ của các “mạnh thường quân”!

Vì vậy, tôi luôn ước mơ, khi có điều kiện khá giá về kinh tế, sẽ làm từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Dương thường chia sẻ - đồng cảm với những gia đình có các em nhỏ, hoàn cảnh khó khăn. Ở đó, Dương đều dành sự yêu thương, giúp đỡ để các em được học hành, được lớn lên trong vòng tay yêu thương và có tương lai tốt đẹp hơn”.

Trong nhiều lần đi làm từ thiện, đã đọng lại trong Tuệ Dương biết bao kỷ niệm khó quên.

Cặp đôi Vũ - Dương hạnh phúc bên nhau chuẩn bị cho ngày cưới
Cặp đôi Vũ - Dương hạnh phúc bên nhau chuẩn bị cho ngày cưới

Có lần, cô đến để xác minh và đem theo tiền hỗ trợ cho một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Khi cô đến nơi, thì một số bà con hàng xóm đã “bao vây” cô và mắng chửi, xúc phạm, vì cho rằng cô đến để lừa đảo, chứ đâu có hàm ý giúp đỡ gì? Sau khi Tuệ Dương giải thích, bà con mới hiểu rõ và tiếp đón.  

Có trường hợp, Tuệ Dương trao số tiền cho gia đình hoàn cảnh khó khăn để xây nhà. Nhưng khi xây xong, thì giá trị căn nhà đã vượt thêm 80 triệu đồng; gia cảnh họ, đã khốn khó, họ hàng đều túng bấn. Biết chuyện, Tuệ Dương đã tìm đến tận nơi, kêu gọi - họp họ hàng lại, mỗi nhà góp một ít, riêng cô, góp thêm 10 triệu đồng để hoàn thiện nốt căn nhà còn dang dở.

Và còn bao mảnh đời, bao nhiêu trường hợp khó khăn khác, dẫu không kể hết ra và không muốn thông tin cho mọi người biết về những việc âm thầm mà mình làm từ thiện, nhưng trong thâm tâm, Tuệ Dương suy nghĩ, mọi hoạt động, công việc mình làm, giúp đỡ cộng đồng đó là xuất phát từ trái tim.

Khi hỏi “ước nguyện của Tuệ Dương?”, cô bộc bạch: “Nguyện vọng của tôi thật giản đơn. Đó là bản thân, cố gắng đền đáp công ơn dưỡng dạy của cha mẹ, cho con cái được sống và học tập tại môi trường tốt nhất, dạy cho con biết cách ứng xử và tinh thần tự vươn lên, biết tự lập từ bé”…

Dù đã 1 lần “đứt gánh” trong hôn nhân, nhưng cô và người chồng (sắp cưới), đang có một cuộc sống hạnh phúc. Họ đều có lý tưởng chung đó là “sống hạnh phúc, làm việc, làm từ thiện”!

Tuệ Dương bộc bạch: “Điều mà mình mong muốn nhất bây giờ đó là chính quyền địa phương cùng với mọi người dân cùng chung tay kiểm soát tốt đại dịch Covid-19. Sau đó, sẽ là một lễ cưới đầm ấm - diễn ra như là một dấu mốc quan trọng cho sự gắn kết của hai vợ chồng mình.

Từng đổ vỡ, giờ đây gặp được một người yêu thương chăm sóc, lo lắng cho gia đình như chồng mình hiện tại - là điều may mắn nhất mình có được”…

Minh Tiệp