Hoàng Thu Phố là một xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Xã được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều phong cảnh đẹp, hùng vĩ, khí hậu lạnh và sương mù quanh năm, nơi sinh trưởng của quần thể cây chè Shan tuyết có tuổi đời hàng trăm năm gắn với đời sống văn hoá của đồng bào dân tộc Mông.
Ông Hàng Seo Mào, thôn Chồ Chải cho biết: “Mấy chục gốc chè cổ thụ quanh nhà đã gắn liền với bao thế hệ của gia tộc. Trước đây, người Mông chúng tôi sống bám rừng, cây chè cũng như bao cây rừng khác mọc tự nhiên tắm sương mù, mưa rừng, nắng núi mà sống, giá trị kinh tế không cao. Chỉ đến khi, chính quyền địa phương tuyên truyền chăm sóc, bảo vệ và các công ty, nhà máy đến thu mua với giá cao thì chúng tôi mới hiểu rõ giá trị kinh tế mà cây chè cổ thụ mang lại. Cây chè cho thu hoạch búp từ tháng Tư đến tháng Chín hàng năm, thu nhập từ vườn chè của gia đình tôi cũng được hơn 60 triệu đồng/năm”.
Cả thôn Chồ Chải có khoảng 450 cây chè, trong đó có quần thể 105 cây chè Shan cổ thụ được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đánh giá, công nhận là “Cây di sản Việt Nam”. Hiện, chè Shan tuyết là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Bắc Hà, sản xuất chè đã góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp hàng hóa bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động địa phương.
Hiện nay, toàn huyện Bắc Hà có trên 1.100ha chè Shan tuyết, phân bố chủ yếu tại các xã vùng trung và thượng huyện, đặc biệt trên địa bàn đã hình thành vùng chè cổ thụ với trên 8.500 gốc có tuổi đời hàng trăm năm tuổi, trong đó riêng tại xã Hoàng Thu Phố có 2.370 gốc, đã tạo nên một cảnh quan độc đáo, ấn tượng cho du khách. Đây là nguồn tài nguyên quý giá, không chỉ có giá trị cao về kinh tế, tiêu biểu về cảnh quan, môi trường mà còn có giá trị đặc biệt về nguồn gen thực vật trong hệ sinh thái mà cây mang lại.
Ngoài việc phát huy lợi thế kinh tế từ cây chè shan tuyết cổ thụ, xã Hoàng Thu Phố cũng phát triển thêm sản phẩm chủ lực là cây lê VH06. Nhiều hộ gia đình tại thôn Hoàng Hạ đã thoát nghèo từ mô hình trồng lê như gia đình anh Tráng Seo Khúa với diện tích hơn 1 ha trồng và chăm sóc bài bản theo đúng qui trình kỹ thuật được các cán bộ khuyến nông tập huấn, hướng dẫn. Sau 03 năm lê bắt đầu thu hoạch không chỉ cho trái ngọt, thơm đặc trưng của vùng đất Bắc Hà mà sản lượng cũng rất cao. Tiếp tục mở rộng mô hình, đến nay gia đình anh Khúa đã trồng thêm 3.000 gốc mận dọc tuyến đường theo định hướng của xã để đón khách du lịch đến trải nghiệm mỗi mùa hoa nở hoặc mùa hái lê, hái mận. Thấy được hiệu quả kinh tế, nhiều hộ nghèo đã mạnh dạn phát triển diện tích lê tạo ra vùng cây ăn quả đặc sản tại địa phương.
Ông Trần Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Hoàng Thu Phố thông tin: Trước giá trị văn hóa, giá trị kinh tế - xã hội mà cây chè Shan Tuyết mang lại, chính quyền các cấp chú trọng tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị cây chè Shan Tuyết gắn với khai thác tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu, các sản phẩm đặc hữu nông nghiệp để đẩy mạnh phát triển các mô hình nông nghiệp gắn với du lịch, nâng cao giá trị thu nhập cho người dân. Nhiều mô hình vườn chè, vườn lê VH06 được hình thành với hoạt động trải nghiệm mùa thu hoạch hoa, quả đã góp phần nâng cao giá trị từ 15-20% so với mô hình nông nghiệp thuần túy.
Đến nay, cây chủ lực trên địa bàn xã Hoàng Thu Phố có 17 ha chè (trong đó 4 ha chè cổ thụ). Sản lượng ước đạt 2.300 kg, giá bán 40 nghìn đồng/kg; thu được hơn 92 triệu đồng. Bên cạnh đó, mận Tả Van có 3,1 ha, lê tai nung (VH6) có169,79 ha, trong đó diện tích lê cho thu hoạch là 2,1ha. Diện tích kiến thiết cơ bản là 167,69ha (Diện tích trồng cuối 2021 đầu năm 2022 là 41,8ha; Diện tích trồng cuối năm 2022 đầu năm 2023 là 125,89ha).
Công tác dạy nghề và giải quyết việc làm mới được triển khai đồng bộ ngay từ đầu năm, trong 09 tháng đầu năm toàn xã có 384 lao động địa phương đi lao động ở công ty, doanh nghiệp trong nước với mức lương bình quân từ 10-13 triệu đồng/người/tháng.
Có thể thấy, hiệu quả kinh tế đã góp phần thắng lợi nhiệm vụ giảm nghèo của xã, trong 09 tháng đầu năm 2023, số hộ nghèo giảm được 86 hộ, chiếm 14.58%, đạt 121% so với kế hoạch giao, số hộ nghèo còn lại 300 hộ, chiếm 50.85%, cận nghèo giảm 97 hộ chiếm 16.44% tổng số hộ rà soát 590 hộ nghèo, cận nghèo. Dự kiến giảm nghèo của xã trong năm 2024 khoảng 14.58%.
Nguyễn Mạnh