Theo đó, có đến 4 vị trí mặt đường đã được thảm nhựa nhưng xe chạy “lộc cộc”, không êm thuận cần được sửa chữa ngay. Trước đó, khi kiểm tra, Hội đồng nghiệm thu nhà nước cũng cho rằng nhiều vị trí trên cao tốc chưa đảm bảo chất lượng, cần khắc phục trước khi đưa vào khai thác.
Nhiều đoạn chưa làm xong hàng rào và tường hộ lan
Bộ trưởng GTVT yêu cầu chủ đầu tư (Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC) phải tập trung đôn đốc nhà thầu, đơn vị thi công khẩn trương khắc phục các tồn tại, vướng mắc trong công tác đền bù, thi công đường gom dân sinh, sửa chữa các điểm không đảm bảo chất lượng. Ông Thể “chốt” ngày lễ khánh thành toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là 2/9 và “đây là thời điểm cuối cùng, không thể lùi, không thay đổi như trước đây các anh từng hứa ngày 30/6, rồi 31/7. Đã bỏ ra một đống tiền lớn đầu tư nhưng cứ kéo dài thời gian hoàn thành là không thể chấp nhận được”.
Thời gian gần đây dù toàn tuyến chính đã cơ bản hoàn thành, nhưng các hạng mục phụ vẫn còn khá ngổn ngang. Ngày 6/8, tại Km 67 đoạn qua địa phận xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ), một trong những nơi bị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá là mặt đường “lộc cộc”, nhóm công nhân đã đào lên và tráng nhựa mới. Tuy nhiên, đến chiều tối qua, hệ thống đèn điện vẫn chưa được lắp đặt; nhiều đoạn rào chắn trâu bò vẫn chưa ráp. Hai bên đường đoạn cao tốc chạy qua xã Tam Mỹ Đông (H.Núi Thành), công nhân vẫn đang xây dựng rào cứng để hạn chế đá lăn xuống cao tốc...
Mặt đường cao tốc phải làm lại do kém chất lượng
Trả lời báo giới chiều 6/8, ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, xác nhận 4 đoạn dài khoảng 500 m chưa đảm bảo chất lượng, hiện ban quản lý đã buộc đơn vị thi công cào bóc mặt đường để làm lại cho đảm bảo theo thiết kế. “Công trình chưa được nghiệm thu toàn bộ nên ít nhiều vẫn có một vài lỗi nhỏ. Những vị trí chưa đảm bảo chất lượng thường là do khi thảm bê tông nhựa, người dân hay tụ tập cản trở thi công với nhiều lý do như đòi đường gom, đường ngang, mặt bằng… Máy đang thảm nhựa nóng mà bị dừng lại đột ngột thì nó sẽ nguội đi, đến khi làm tiếp không tránh khỏi bị gợn”, ông Thành giải thích.
Không chỉ lo ngại chất lượng, Bộ trưởng GTVT còn đánh giá thiết kế đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi quá kém, nhất là các đường gom, hầm chui không thực tế, không mang lại hiệu quả, chưa thuận lợi cho giao thông nông thôn nên liên tục thay đổi thiết kế. Đây chính là nguyên nhân phát sinh khiếu kiện, cản trở thi công khiến cao tốc kéo dài thời gian đưa vào khai thác. “Các đơn vị trực thuộc Bộ GTVT phải lấy cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi làm bài học để rút kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình phối hợp với chính quyền địa phương và những khâu thiết kế, thi công các cao tốc khác trong tương lai”, Bộ trưởng nhắc nhở.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khởi công năm 2013, dự kiến hoàn thành năm 2017, đặt mục tiêu giúp các phương tiện tham gia lưu thông trên cao tốc rút ngắn thời gian từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi hơn 1 giờ so với lưu thông trên QL1. Theo công bố vào năm 2013, tuyến cao tốc có vốn đầu tư 1,472 tỷ USD (trong đó vốn vay ODA của chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA là 673 triệu USD, vốn vay Ngân hàng Thế giới 631 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ VN). Tuy nhiên, đến năm 2017, theo công bố của VEC, tổng vốn đầu tư cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã lên đến 1,64 tỷ USD.
Bảo Ngọc