Phấn đấu đến năm 2030, trên 50% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả,… được áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp
Phấn đấu đến năm 2030, trên 50% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả,… được áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (Ảnh: KT)

Theo đó, mục tiêu chung của kế hoạch là phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp để tăng cường sức khỏe cây trồng, nâng cao khả năng phòng, chống sinh vật gây hại và chống chịu tốt với điều kiện bất thuận của thời tiết, nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.

Cụ thể đến năm 2030, phấn đấu trên 50% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả,… được áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp; lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và lượng phân bón vô cơ giảm 30% và tăng hiệu quả kinh tế 15-20% so với sản xuất thông thường.

Phấn đấu khoảng 50-80% số xã (có sản xuất nông nghiệp tập trung) có đội ngũ nông dân nòng cốt, hiểu biết, có kỹ năng và ứng dụng hiệu quả quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng.

Đồng thời, có ít nhất 5 giảng viên quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp Quốc gia và 10-20 giảng viên quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp cấp tỉnh; mỗi xã, phường (có sản xuất nông nghiệp tập trung) có ít nhất 2 hướng dẫn viên quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp cộng đồng.

Phấn đấu trên 90% số xã, phường (có sản xuất nông nghiệp tập trung)thực hiện thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đúng theo quy định.

Từ đó, nhằm cụ thể hóa các nội dung Đề án phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào điều kiện thực tế của địa phương; phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng sản xuất sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, an toàn, hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị; tập trung vào các cây trồng chủ lực và có lợi thế, vùng sản xuất tập trung hàng hóa của tỉnh.

Thuận Yến (t/h)