Theo đó, Sở Y tế đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chỉ đạo bộ phận Kiểm dịch Y tế Quốc tế cập nhật thông tin về các quốc gia/vùng lãnh thổ đang ghi nhận trường hợp bệnh Mác-bớc để tăng cường, chủ động giám sát chặt chẽ các đối tượng phải kiểm dịch y tế từ các khu vực này nhập cảnh, quá cảnh, nhập khẩu qua các cửa khẩu tại tỉnh.
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh việc giám sát dịch bệnh, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân đối với cán bộ, nhân viên và người tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh, không để lây nhiễm cho nhân viên y tế, lây lan ra cộng đồng.
Chuẩn bị sẵn sàng phòng, khu vực cách ly tạm thời sử dụng cho các trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh ở cửa khẩu (nếu cần); các trang thiết bị, hóa chất, thuốc đảm bảo có thể sử dụng ngay khi có dịch. Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác kiểm dịch y tế về giám sát, kiểm soát bệnh Mác-bớc.
Đặc biệt lưu ý về công tác phòng, chống nhiễm khuẩn. Tiếp tục tổ chức truyền thông tại cửa khẩu cho hành khách, người dân về các biện pháp phòng chống, đặc biệt cần thông báo ngay cho cơ sở y tế khi họ phát hiện các triệu chứng và yếu tố dịch tễ liên quan đến bệnh Mác-bớc trong vòng 21 ngày kể từ ngày họ nhập cảnh Việt Nam.
Tăng cường công tác kiểm tra giám sát công tác phòng chống dịch tại các đơn vị để kịp thời khắc phục những tình huống cụ thể trong công tác phòng chống dịch.
Đồng thời, yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần xây dựng kế hoạch thu dung, điều trị đáp ứng với tình huống khi có ca bệnh Mác-bớc nhập viện. Chuẩn bị cơ sở, trang thiết bị, cơ số thuốc đầy đủ để sẵn sàng tiếp nhận thu dung và điều trị bệnh dịch.
Kết hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức tập huấn Hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế về năng cao năng lực giám sát, đáp ứng phòng chống bệnh Mác-bớc.
Tăng cường công tác truyền thông về bệnh Mác-bớc và các triệu chứng cụ thể để người bệnh, người chăm bệnh biết và thực hiện bảo vệ bản thân và gia đình, trình báo ngay với cơ quan y tế những triệu chứng nếu nghi ngờ nếu có tiếp xúc với người có nguy cơ mắc bệnh Mác-bớc.
Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố cần giám sát phát hiện sớm các trường hợp người về từ vùng dịch (các nước Châu Phi..) tại cộng đồng và các cơ sở y tế có triệu chứng nghi ngờ để triển khai xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Lấy mẫu xét nghiệm để xác nhận tác nhân gây bệnh.
Tham mưu UBND cấp huyện nhất là các huyện có đường biên giới với nước Cam pu chia tăng cường tổ chức tập huấn cho các cơ sở y tế tư nhân phát hiện ca bệnh nghi ngờ về từ vùng dịch phải điều tra dịch tễ thật kỹ và báo ngay cho y tế cơ sở công lập gần nhất để phát hiện sớm, cách ly ca bệnh kịp thời; kiện toàn đội đáp ứng nhanh tại đơn vị đảm bảo đáp ứng kịp thời với các trường hợp nghi mắc Mác-bớc.
Ngoài ra, tăng cường công tác truyền thông về các thông tin: đây là bệnh truyền nhiễm Nhóm A, thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày; người bệnh khởi phát với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, khó chịu, sau đó có thể xuất hiện tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, xuất huyết, khi ở tình trạng nặng, bệnh nhân có thể vàng da, viêm tụy, mê sảng, sốc, suy gan, xuất huyết ồ ạt và rối loạn chức năng đa cơ quan; hiện tại bệnh chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và cảnh giác khi có những triệu chứng bệnh và yếu tố dịch tễ về từ vùng dịch (chủ yếu về từ Châu Phi) thì phải đến ngay cơ sở y tế trình báo và cách ly kịp thời.
Thuận Yến (t/h)