Hoạt động khai thác cát trái phép trên Sông Hồng làm ảnh hưởng đến dòng chảy (ảnh: Nguồn Internet)
Nằm ở vị trí phân lưu dòng chảy, TP Hà Nội bị tác động nặng nhất do hiện tượng hạ thấp mực nước và biến đổi lòng dẫn sông Hồng. Ông Nguyễn Vĩnh Liên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội dẫn chứng, Trạm bơm đầu mối Phù Sa, với 4 máy bơm công suất 10.080m3/giờ, có nhiệm vụ cấp nước phục vụ làm đất, gieo cấy, tưới dưỡng cho 6.418ha của các huyện Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất… Tuy nhiên, gần 10 năm nay, trạm bơm này đành "đắp chiếu" vì mực nước sông Hồng tại thị xã Sơn Tây luôn ở mức thấp, không bảo đảm điều kiện vận hành.
Ứng phó với tình trạng mực nước sông Hồng hạ thấp, TP Hà Nội đã đầu tư gần 130 tỷ đồng xây dựng Trạm bơm tưới Đan Hoài. Tuy nhiên, do biến đổi lòng dẫn nên hiện nay trước cửa lấy nước của trạm bơm này đã hình thành doi cát, khối lượng ước tính khoảng 400.000m3 nên không thể vận hành tối đa công suất, phát huy tối ưu hiệu quả đầu tư...
Ngoài ra, theo ông Phạm Quang Đông, Trưởng phòng Quản lý đê thuộc Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội, hiện tượng thay đổi hình thái lòng dẫn trên sông Hồng còn gây ra tình trạng sạt lở, đe dọa đến an toàn của hệ thống đê, kè sông Đuống và gây áp lực rất lớn đến hệ thống đê sông Thái Bình phía hạ du. Thực tế năm 2017, hiện tượng này đã gây ra hàng loạt sự cố đê điều: Sạt lở bờ bãi sông, lún, nứt nhà ở, công trình phụ của một số hộ dân sinh sống ven đê tả Đuống, tả Hồng thuộc địa bàn huyện Đông Anh, Gia Lâm… Gần đây nhất, trong tháng 2 vừa qua, do ảnh hưởng của việc xả nước hồ thủy điện phục vụ lấy nước sản xuất vụ xuân, dòng chảy sông Hồng biến đổi, áp sát đã gây ra sự cố sạt mái kè Cẩm Đình và sạt cơ kè Xuân Phú…
Trước tình trạng trên, TP Hà Nội đã phê duyệt dự án nạo vét doi cát trước cửa dẫn nước Trạm bơm tưới Đan Hoài. Đồng thời, chấp thuận chủ trương đầu tư 15 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp hệ thống trạm bơm thuộc hệ tưới Phù Sa. Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cũng đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu phương án, triển khai thực hiện giải pháp nạo vét, chỉnh dòng chảy sông Hồng khu vực cửa vào sông Đuống, để khống chế tỷ lệ phân lưu mùa lũ từ sông Hồng sang sông Đuống.
Để xử lý hiện tượng biến đổi dòng chảy sông Hồng, ứng phó biến đổi khí hậu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu cho biết: Các công trình thủy lợi, hệ thống trạm bơm, hệ thống đập trên địa bàn Hà Nội do xây dựng đã lâu, thiếu đồng bộ không còn phù hợp với hiện trạng mực nước trên sông Hồng. Do đó, TP Hà Nội và Bộ NN&PTNT cần khẩn trương xây dựng mới hoặc cải tạo các trạm bơm dã chiến để hoạt động có hiệu quả trong công tác cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.
Về trách nhiệm của ngành, hiện nay Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu đề tài khoa học “Dự báo xu thế biến đổi hạ thấp lòng dẫn và đề xuất giải pháp khắc phục, khai thác hiệu quả công trình thủy lợi trên hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình”.
Đồng thời, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác cát để hạn chế việc hạ thấp, biến đổi lòng dẫn sông Hồng...
Thanh Bình