Luật Đầu tư 2005 được ban hành đã có tác động tích cực đối với sự phát triển của cộng đồng DN. Tuy nhiên, sau hơn 8 năm triển khai thi hành, luật này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập…

Thiếu thống nhất

Theo quy định tại Luật Đầu tư 2005, DN có vốn đầu tư nước ngoài là những DN do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam, DN Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại.

Luật Đầu tư 2005 cũng đã xác định cách thức ứng xử với nhà đầu tư nước ngoài, khi có nhà đầu tư Việt Nam sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên thì được áp dụng điều kiện như nhà đầu tư trong nước. Cùng với đó, các văn bản dưới luật có liên quan đã dẫn giải khá chi tiết. Có thể kể tới Nghị định 69/2007/NĐ-CP, Quyết định 121/2008/QĐ-BTC, Quyết định 55/2009/QĐ-TTg… Đặc biệt, Nghị định 102/2010/NĐ-CP khẳng định, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc pháp luật chuyên ngành có quy định khác, DN đã thành lập ở Việt Nam có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49% vốn điều lệ được áp dụng điều kiện đầu tư, kinh doanh như đối với nhà đầu tư trong nước…

Việc quy định khái niệm “nhà đầu tư nước ngoài” không thống nhất dẫn đến nhiều bất cập trong hoạt động đầu tư và quản lý đầu tư như: Khó khăn trong việc phân biệt dự án đầu tư trong nước, dự án đầu tư nước ngoài để xác định thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư cho một dự án đầu tư cụ thể; Khó khăn trong việc xác định địa vị pháp lý (quyền, nghĩa vụ) cũng như điều kiện và thủ tục đầu tư, kinh doanh của các đối tượng này vì chưa có quan điểm thống nhất giữa các cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư; Làm hạn chế quyền kinh doanh của các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Vẫn rườm rà…

Theo quy định pháp luật đầu tư hiện nay: “Nhà đầu tư được đầu tư trong các lĩnh vực và ngành, nghề mà pháp luật không cấm; được tự chủ và quyết định hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam”.

Trên thực tế, các cơ quan cấp phép rất khó để cấp giấy phép cho những dự án đầu tư vào lĩnh vực dù không bị cấm nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện thủ tục đầu tư trong lĩnh vực đó như thế nào. Cụ thể, từ khi Việt Nam gia nhập WTO, các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư không xem xét hoặc không cho phép đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực “chưa cam kết” hoặc không được liệt kê trong biểu cam kết WTO.

Vì vậy, Luật Đầu tư (sửa đổi) cần phải có quy định làm rõ chính sách và thủ tục đầu tư với các nhà đầu tư muốn đầu tư vào ngành/phân ngành dịch vụ “chưa cam kết” hoặc không được liệt kê trong biểu cam kết WTO.

Căn cứ theo các quy định về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, để thực hiện một dự án đầu tư đơn giản và khuyến khích như đầu tư thành lập DN trong lĩnh vực công nghệ thông tin phải mất gần 20 ngày làm việc để có được Giấy chứng nhận đầu tư do quá trình thủ tục rất rườm rà. Và theo như quy trình hiện nay chủ yếu tập trung vào quá trình thủ tục đăng ký ban đầu, đặt ra nhiều quy định, điều kiện ràng buộc nhà đầu tư với quan điểm làm chặt ngay từ đầu sẽ ngăn chặn và giảm thiểu được rủi ro, bất cập. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ “bất khả thi”, vì nhà đầu tư chỉ mới ở giai đoạn ban đầu thực hiện thủ tục đầu tư, chưa chính thức hoạt động thì việc kiểm tra sự tuân thủ các điều kiện luật định hầu như là việc gây khó cho nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý.

Trong khi đó, đầu ra (hậu kiểm) lại chưa được coi trọng đúng mức dẫn đến xảy ra tình trạng chuyển giá, gửi giá nhằm trốn thuế khá phổ biến thời gian qua.

Từ những bất cập trên đã và đang đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện các quy định của Luật Đầu tư nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư; hoàn thiện các quy định của Luật nhằm giải quyết những khó khăn trong hoạt động đầu tư của nhà đầu tư, đặc biệt là những vướng mắc trong việc áp dụng các quy định về điều kiện đầu tư và thủ tục đầu tư…

TS. Nguyễn An