Số lượng lớn ma túy bị lực lượng chức năng bắt giữ trong đường dây buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy do người Hàn Quốc cầm đầu
Số lượng lớn ma túy bị lực lượng chức năng bắt giữ trong đường dây buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy do người Hàn Quốc cầm đầu.

Nỗ lực, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Theo đánh giá của Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan, nước ta là địa bàn thuận lợi để tội phạm ma túy lợi dụng trung chuyển ma túy sang nước thứ ba do có đường biên giới trải dài tiếp giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia, cùng vô số các con đường tiểu ngạch ở các cửa khẩu. Đặc biệt, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid - 19 làm phát sinh thêm nhiều thách thức mới đối với công tác kiểm soát phòng, chống ma túy.

Đại diện lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu khẳng định, ngành Hải quan càng nhận thức rõ yêu cầu, phải nỗ lực, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác tham mưu và trực tiếp đấu tranh phòng, chống ma túy và kiểm soát tiền chất. 

Cơ quan Hải quan cũng đang tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn lực lượng, trên tinh thần nêu cao thế chủ động, phát huy sức mạnh nội lực; kết hợp khai thác tối đa nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài, trong khuôn khổ các quan hệ hợp tác, phối hợp với các lực lượng chức năng trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy hiệu quả công tác phòng, chống ma túy.

Đặc biệt, Luật Phòng, chống ma tuý đã được Quốc hội thông qua vào ngày 30/03/2021 và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022. Vì vậy, thời gian qua, Cục Điều tra chống buôn lậu đã chủ động, tích cực tham mưu Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính tham gia ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.

Trong đó, tập trung vào các nội dung liên quan đến thẩm quyền, nguyên tắc, cơ chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong phòng, chống tội phạm ma túy và kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy. Đặc biệt, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia trong lĩnh vực hải quan, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch về phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia giai đoạn 2021-2025; đồng thời, tiếp tục tăng cường trang bị một số máy phát hiện ma túy, chất nổ cho Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Hải quan các địa phương, đề nghị Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an phối hợp thử nghiệm tính năng máy phát hiện ma túy, chất nổ.

Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ tăng cường năng lực cho lực lượng hải quan chuyên trách phòng, chống ma túy, trong năm qua, Tổng cục Hải quan cũng đã mua sắm và đưa vào sử dụng 8 máy soi hành lý, 21 hệ thống camera giám sát hải quan và 15 máy phát hiện ma túy; tiếp nhận và đưa vào sử dụng 40 máy quang phổ phát hiện hóa chất do Cơ quan Bảo vệ biên giới Anh trao tặng nhằm tăng cường kiểm soát hàng hóa tại các địa bàn hoạt động của hải quan qua đường hàng không và cảng biển.

Cơ quan Hải quan Việt Nam cũng đang tổ chức thực nghiệm triển khai hệ thống barrie điện tử tại cảng Green Port thuộc quản lý của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng Khu vực 3.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đã tiến hành nâng cấp, bổ sung các chức năng của Hệ thống Seal định vị điện tử để đáp ứng công tác giám sát đối với hàng hóa chịu sự giám sát của hải quan vận chuyển bằng container.

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, trong thời gian qua, thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn do cơ quan Hải quan chủ trì, phối hợp tổ chức, đã trang bị cho lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy của Ngành và các Bộ, Ngành liên quan những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm hữu ích về sử dụng trang thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác phát hiện, ngăn chặn và xử lý vụ việc, vụ án về buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới.

Thời gian tới, ngành Hải quan sẽ tiếp tục tham mưu các cấp thực hiện công tác rà soát, hoàn thiện hệ thống quy định, quy trình, quy chế về quản lý, sử dụng trang thiết bị chuyên dùng, chó nghiệp vụ phát hiện ma túy đảm bảo có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nhiệm vụ mới, bối cảnh mới.

Ngoài ra, xác định chiến lược, mục tiêu và giải pháp ứng với lộ trình phù hợp về việc tăng cường trang thiết bị chuyên dùng hiện đại, kết hợp ứng dụng khoa học-công nghệ phục vụ công tác ngăn chặn, phát hiện, bắt giữ và xử lý vi phạm, tội phạm về ma túy, tiền chất trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Hải quan.

Đồng thời, phát triển quan hệ hợp tác, phối hợp giữa cơ quan Hải quan với các lực lượng chức năng trong xây dựng kế hoạch, phương án bảo đảm các điều kiện quan trọng, cần thiết (như mẫu chất ma túy, giảng viên có kinh nghiệm, kinh phí, giáo trình, chế độ chính sách…) nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý, huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ phát hiện ma túy.

Các mẫu thuốc lào, thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy tổng hợp 5F-MDMB-PICA được giám định tại Trung tâm Giám định Ma túy (Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an)
Các mẫu thuốc lào, thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy tổng hợp 5F-MDMB-PICA được giám định tại Trung tâm Giám định ma túy. Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an.

Kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất

Theo dự báo trong thời gian tới, tội phạm ma tuý tiếp tục lợi dụng tuyến đường hàng không, chuyển phát nhanh, bưu điện để vận chuyển ma tuý số lượng lớn, với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong quá trình phát hiện, điều tra, truy tố trước pháp luật. Đặc biệt, các Bộ, Ngành, cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất, thuốc gây nghiện cả trong xuất khẩu, nhập khẩu và sản xuất kinh doanh, kịp thời ngăn chặn không để tội phạm lợi dụng sản xuất ma túy trong nội địa.

Trước tình hình trên, để chủ động phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của tội phạm ma tuý, lực lượng Hải quan luôn xác định chiến lược, mục tiêu và giải pháp ứng với lộ trình phù hợp về việc tăng cường trang thiết bị chuyên dùng hiện đại, kết hợp ứng dụng khoa học-công nghệ phục vụ công tác ngăn chặn, phát hiện, bắt giữ và xử lý vi phạm, tội phạm về ma túy, tiền chất trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Hải quan.

Đồng thời, tăng cường, nâng cao quan hệ hợp tác, phối hợp giữa cơ quan Hải quan với các lực lượng chức năng của Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý ở khu vực biên giới cửa khẩu, chủ động xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh đối với các chuyên án ma tuý lớn, có liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều địa bàn.

Song song đó, bổ sung, sửa chữa, bảo dưỡng, nâng cấp, trang cấp những phương tiện, thiết bị, công cụ cần thiết, hiện đại cho lực lượng Hải quan, đặc biệt là những trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra phát hiện ma túy, tiền chất, thông tin liên lạc, giám sát hành trình và các thiết bị nghiệp vụ. Tăng cường sử dụng hợp lý, hiệu quả các phương tiện, thiết bị trong đấu tranh phòng, chống ma túy.

Tiếp tục đẩy mạnh chất lượng, tổ chức triển khai đồng bộ, bài bản các chương trình tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng khai thác, sử dụng trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống ma túy cho lực lượng chuyên trách.

Ngoài ra, tăng cường phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc các Bộ Công an, Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu, sử dụng tiền chất, không để tội phạm lợi dụng vận chuyển, sản xuất ma tuý; Tăng cường kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi có chứa ma túy, tiền chất, phương tiện, dụng cụ, máy móc, thiết bị có thể dùng vào việc sản xuất, điều chế hoặc sử dụng trái phép chất ma túy; làm tốt công tác quản lý nhà nước về hải quan đối với các công ty, doanh nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp, nhà xưởng, khu công nghiệp, khu chế xuất trong địa bàn hoạt động hải quan tránh tình trạng lợi dụng việc thành lập các công ty với vỏ bọc hợp pháp để sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép ma túy, tiền chất.

Cùng với đó, tiếp tục tham gia các hoạt động trong khuôn khổ dự án hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy, điển hình như: Chương trình phòng, chống và chặn bắt nhanh các chất gây nghiện mới (GRIDS) của Ủy ban Kiểm soát ma túy (INCB) và Dự án Rồng Mekong. Đồng thời, đẩy mạnh các kênh phối hợp, hợp tác trong và ngoài Ngành, trong nước và quốc tế, đặc biệt là tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ Hải quan các nước và tổ chức quốc tế thông qua những hoạt động thiết thực, có ý nghĩa như: trao đổi chuyên gia, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ chuyên trách kiểm soát phòng, chống ma túy của Hải quan Việt Nam nhằm đẩy mạnh công tác kiểm soát phòng, chống ma túy của Ngành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hải Minh