Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, quý II/2022, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tiếp tục suy giảm. Tổng số đợt phát hành trong quý chỉ đạt 16 đợt, giảm 63% số đợt trong quý I, tương ứng với giá trị gần 8.600 tỷ đồng, giảm sâu tới 79% so với quý trước.
Trong tháng 04/2022, không có doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu, trong tháng Năm doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với tổng giá trị khoảng 7.000 tỷ.
Trong tháng Sáu, Vingroup dẫn đầu về khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản với 100 triệu USD trái phiếu quốc tế (tương đương hơn 2.300 tỷ đồng); về trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong nước, Novaland đứng đầu về giá trị phát hành trong tháng Sáu với tổng giá trị phát hành gần 2.300 tỷ đồng, Tập đoàn Nam Long với 500 tỷ đồng...
Tính đến 20/06/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 14,03 tỷ USD, bằng 91,1% so với cùng kỳ năm 2021. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,15 tỷ USD.
Trong quý II/2022, tổng lượng giao dịch là 69.079 giao dịch, nguồn cung bất động sản có 27.160 căn nhà ở đủ điều kiện đưa vào giao dịch. Qua đánh giá cho thấy khả năng hấp thụ của thị trường quý II tốt hơn.
Trong 06 tháng của năm 2022, số lượng nhà ở trong các dự án đưa ra giao dịch (nguồn cung) hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư, mua sử dụng của người dân vẫn cao; các phân khúc nhà ở chung cư, nhà riêng lẻ, đất nền hầu như không phát sinh lượng tồn kho.
Các dự án được mở bán hầu hết đều có tính thanh khoản tốt, chủ đầu tư hầu như không có lượng sản phẩm tồn, không có giao dịch. Hiện nay, lượng tồn kho bất động sản hầu như chỉ có ở phân khúc căn hộ, nhà ở cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và đặc biệt là đối với các dự án ở vị trí có điều kiện hạ tầng không thuận lợi và thuộc về nhà đầu tư thứ cấp.
C.H.Q (t/h)