Số liệu từ Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải thể hiện: Đến nay, tức cuối tháng 11/2022, còn khoảng 1.731 tỷ đồng chưa giải ngân được; trong đó tập trung ở 08 dự án cần giải ngân lớn (khoảng hơn 1.300 tỷ đồng). Khoản vốn 1.731 tỷ đồng trên là vốn kế hoạch của năm 2022.
Vụ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp cụ thể các dự án:
Hai dự án do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận quản lý gồm: Dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch cần giải ngân thêm 350 tỷ đồng; Dự án tuyến nối Quốc lộ 91 - tránh Long Xuyên phải giải ngân 92 tỷ đồng.
Hai dự án do Ban Quản lý dự án 2 làm chủ đầu tư, gồm: Dự án kết nối giao thông phía Bắc phải giải ngân 211 tỷ đồng; Dự án kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên phải giải ngân 92 tỷ đồng.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Ban Quản lý dự án đường sắt quản lý cũng còn phải giải ngân khoảng 98 tỷ đồng; Dự án WB6 kênh nối Đáy - Ninh Cơ do Ban Quản lý các dự án đường thủy quản lý phải giải ngân 92 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 11/2022, dự án WB6 - Kênh nối Đáy - Ninh Cơ là một trong những dự án có tiến độ giải ngân chậm. Lũy kế giải ngân đến hết tháng 11/2022 mới đạt hơn là 346 tỷ đồng đạt 85,5% kế hoạch, chậm khoảng 14,5% (xấp xỉ 59 tỷ đồng).
Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Ban Quản lý các dự án Đường thủy chỉ đạo các nhà thầu tăng mũi thi công, có giải pháp điều chuyển khối lượng, bổ sung, thay thế nhà thầu thi công nếu không đáp ứng tiến độ.
Đối với dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch, lũy kế giải ngân đến hết tháng 11/2022 là gần 297 tỷ đồng (đạt 45,9% kế hoạch), chậm khoảng 54,1% (350 tỷ đồng).
Nguyên nhân
Nguyên nhân cơ bản xuất phát từ việc không có khối lượng hoàn thành cho giải ngân từ mọi khâu của quá trình thực hiện dự án như chưa hoàn tất các thủ tục đầu tư, đang thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án;
Điều chỉnh hiệp định vay hoặc đã hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng tổ chức thực hiện các chương trình, dự án chậm (do vướng trong một số khâu như: Giải phóng mặt bằng, tái định cư, thiết kế cơ sở, đấu thầu, ký hợp đồng, giá nguyên vật liệu tăng...).
Giải pháp
Theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì: Chủ dự án hoàn thiện hồ sơ thanh toán gửi KBNN để kiểm soát chi ngay sau khi có khối lượng hoàn thành, đảm bảo chi trong dự toán được phân bổ, chi đúng chế độ quy định;
Phối hợp với Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) trong việc giải ngân đối với các khối lượng đã được kiểm soát chi, không để tồn đọng, đặc biệt là các khoản hoàn chứng từ tài khoản đặc biệt;
Ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa trong giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi;
Tiếp tục hoàn thiện quá trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước để đảm bảo đúng thời hạn, đúng chế độ quy định, không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do; trao đổi với nhà tài trợ để phối hợp với các chủ dự án tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, xử lý nhanh các hồ sơ giải ngân.
Đối với các hoạt động dự án có khả năng hoàn thành: Các cơ quan chủ quản chỉ đạo chủ dự án tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, chủ động điều phối, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện dự án của các bên liên quan (tư vấn, nhà thầu, các cơ quan phê duyệt chuyên môn) theo các nguồn vốn (vay, viện trợ đồng tài trợ, đối ứng):
Chỉ đạo tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, phê duyệt hợp đồng, bố trí đủ vốn đối ứng, đảm bảo việc thực hiện thông suốt, khẩn trương nghiệm thu khối lượng và gửi hồ sơ đến cơ quan kiểm soát chi và tập hợp để giải ngân”.
Nguyễn Vân Quỳnh (t/h)