Ngày 11/4/2019, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã công bố văn bản báo cáo của Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) liên quan đến vụ việc 18.000 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi ở Nhật Bản.
Liên quan đến thông tin việc Công ty Javis Co.,Ltd (Osaka, Nhật Bản) có lô hàng khoảng 18.000 chai tương ớt bị dừng lưu thông do ghi nhãn phụ không đầy đủ, báo cáo của Masan nêu: Sản phẩm tương ớt Chin-su là một sản phẩm của Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan (thành viên trong Tập đoàn Masan), luôn tuân thủ các quy định của Việt Nam và Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) về ghi nhãn, thành phần và việc sử dụng phụ gia thực phẩm.
Tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật
Hiện nay, tương ớt Chin-su đang được xuất khẩu một cách chính thức và có mặt trên thị trường Mỹ, Canada, Úc, Nga, Cộng hòa Séc, Trung Quốc, Đài Loan. Sản phẩm tương ớt Chin-su luôn an toàn cho người sử dụng tại bất kỳ thị trường nào. Masan cũng khẳng định không bán hoặc xuất khẩu sản phẩm tương ớt Chin-su cho Công ty Javis và không xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Đồng thời, báo cáo của Masan cho rằng theo thông tư 27/2012/TT-BYT của Bộ Y tế Việt Nam về quản lý phụ gia thực phẩm, quy chuẩn của các quốc gia nói trên và tiêu chuẩn của Codex thì việc sử dụng chất bảo quản là axit benzoic (210) hoặc natri benzoat (211) với hàm lượng tối đa 1g/kg sản phẩm tương ớt là hoàn toàn phù hợp theo Tiêu chuẩn Codex Stan 192-1995 về phụ gia thực phẩm (ấn bản mới nhất năm 2018) và Tiêu chuẩn Codex khu vực Codex Stan CXS 306R-2011 về tương ớt (ấn bản mới nhất năm 2017).
Masan cũng dẫn chứng rằng Cục An toàn thực phẩm cũng xác nhận và công bố trên trang web chính thức về việc sử dụng axit benzoic và axit sorbic trong tương ớt là phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và tiêu chuẩn Codex.
Như vậy so với thông cáo báo chí trước đó, Masan không đưa lại thông tin là “sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam” bởi điều này đã nhận được phản ứng từ nhiều người tiêu dùng trong nước.
Trước đó, vào ngày 6/4, xuất hiện thông tin Nhật Bản thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su chứa phụ gia acid benzoic.
Liên quan đến thành phần acid benzoic là lý do dẫn đến việc thu hồi lô hàng tương ớt Chin-su tại Nhật Bản, lãnh đạo Phòng Giám sát ngộ độc (Cục An toàn thực phẩm) cho biết acid benzoic là chất có trong danh mục phụ gia bảo quản của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế mà Nhật Bản và Việt Nam đều là thành viên.
Tuy nhiên, việc sử dụng chất này được quy định về hàm lượng khi đưa vào sản phẩm. Hiện nay, có 186 nước dùng theo tiêu chuẩn chung của Codex, trong đó có Việt Nam.
Tiêu chuẩn chung là thế nhưng trong số các thành viên của Codex có nước cho phép và có nước lại tuyệt đối cấm acid benzoic.
Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo rằng lượng benzoic acid tiêu thụ hàng ngày không tác động có hại tới sức khỏe con người nếu chỉ dừng ở mức 5 mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày.
Acid benzoic là chất có trong danh mục phụ gia bảo quản của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế nhưng được quy định về hàm lượng sử dụng.
Trong trường hợp hàm lượng cao hơn ngưỡng cho phép, acid benzoic có thể gây kích ứng dạ dày, viêm dạ dày...
Trong trường hợp sử dụng chất này với hàm lượng lớn có thể gây ngộ độc, nhưng rất hiếm gặp.
Hằng Vương (t/h)