Ông Nhương chưa tìm thấy mộ con mình trên khu đất nghĩa trang đã bị đào xới
Nhiều tháng nay, ông Đỗ Văn Nhương (Khu 1, thôn Trung Hà, xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội) cùng gia đình gửi đơn “cầu cứu” tới UBND huyện Mê Linh để phối hợp giải quyết và tìm phần mộ của con trai ông được chôn cất tại nghĩa trang Đầu Đồng, thôn Trung Hà.
Theo phản ánh của ông Nhương, vào đầu năm 2019, ông Đỗ Văn Hiểu là người cùng địa phương đã mang máy xúc vào đào bới phần đất tại nghĩa trang Đầu Đồng và vận chuyển hài cốt mang đi nơi khác để lấy đất trồng cây. Phần mộ của con trai ông được chôn cất tại đây vào năm 1986 nhưng do điều kiện kinh tế chưa có nên ông chưa thể xây mộ cho con mình mà chỉ xếp gạch xung quanh nay không còn thấy. Gia đình đã thăm tìm nhưng do địa hình bị đào xới nên không biết chính xác phần mộ nằm ở vị trí nào.
Sau khi sự việc xảy ra, ông Nhương đã làm đơn gửi tới cơ quan chức năng nhưng chỉ nhận được phiếu chuyển đơn của UBND huyện Mê Linh về xã Tiến Thịnh chứ UBND xã chưa ra văn bản giải quyết cũng như làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan.
Hai văn bản của UBND huyện Mê Linh gửi UBND xã Tiến Thịnh yêu cầu giải quyết đơn của công dân
Tìm hiểu thực tế tại khu đất nghĩa trang Đầu Đồng, phần lớn diện tích đất đã bị đào xới, phía trên mới trồng một số cây bưởi nhỏ. Tại khu đất này, nhiều dấu vết của khu nghĩa trang vẫn còn hiện hữu như gạch, tiểu sành vỡ... Khu đất này và diện tích đất bên cạnh đã được xây dựng các bức tường gạch, dấu hiệu của việc phân chia ranh giới giữa các chủ đất.
Để làm rõ vẫn đề này, phóng viên đã liên hệ với UBND xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh nơi công dân phản ánh, tiếp phóng viên, ông Trần Anh Tân – PCT UBND xã Tiến Thịnh cho biết: Sau khi công dân gửi đơn vào công an huyện và UBND huyện, UBND huyện Mê Linh đã giao cho xã giải quyết. UBND xã đã có hai buổi làm việc với ông Nhương nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Về nguồn gốc đất, ông Tân cho biết, khu đất này trước đây thuộc địa giới hành chính của xã Vạn Yên (huyện Mê Linh) nhưng do người của xã Tiến Thịnh xâm canh. Đến năm 2006 thì thuộc địa giới hành chính của xã Tiến Thịnh. Khi ông Hiểu đưa máy vào san gạch đất có phát hiện hai tiểu sành và gia đình ông Hiểu đã chuyển đi nơi khác chôn cất.
Tiếp tục làm việc với UBND xã Vạn Yên, ông Nguyễn Quốc Tuấn – Chủ tịch UBND xã cho biết: Theo bản đồ 364 năm 1995 thì khu đất này thuộc địa giới hành chính của xã Vạn Yên. Đến năm 2006, khu đất này thuộc địa giới hành chính xã Tiến Thịnh. Tuy nhiên, khoảng năm 1992, UBND xã Tiến Thịnh đã bán khu đất này cho một cá nhân của xã và hiện nay người mua đã được cấp sổ đỏ (GCNQSDĐ – PV). Khi công dân xã Tiến Thịnh phản ánh việc mất mồ mả, ông Hoàng Anh Tuấn – PCT UBND huyện Mê Linh đã trực tiếp về thực địa cùng với đại diện xã Tiến Thịnh và Vạn Yên. Tại đây, ông Tuấn đã yêu cầu đình chỉ hoạt động san gạt khu đất mà gia đình ông Hiểu đang triển khai san gạt.
Cụ Đỗ Thị Kiến cho biết về nguồn gốc nghĩa trang
Xác nhận về nguồn gốc khu đất nghĩa trang này, cụ Đỗ Thị Kiến (thôn Trung Hà, năm nay đã gần 100 tuổi) cho biết: Khu nghĩa trang này đã có từ nhiều đời nay. Trên đất nghĩa trang không chỉ có một mà có đến vài tầng mồ mả. Bản thân gia đình tôi khi được cấp đất ngoài bãi sông lúc đó phát hiện trên đất có hài cốt cũng được gia đình quy tập và mang vào nghĩa trang này chôn cất.
“Lúc gia đình ông Hiểu mang máy vào đào nghĩa trang, phần đất từ nghĩa trang được vận chuyển ra đổ xuống hồ khiến người dân sợ không dám ra lấy nước cấy, do đó một số ruộng gần khu đổ đất phải cấy muộn là vì thế. Nếu cơ quan nhà nước muốn kiểm tra thì cứ về hút nước khu hồ đó xem có hài cốt hay không” – cụ Kiến cho biết thêm.
Cũng theo cụ Kiến, khu nghĩa trang Đầu Đồng không phải là khu đầu tiên bị xâm lấn mà trước đó một khu đất nghĩa trang cổ khác đã bị một gia đình tại địa phương biến thành khu chuồng trại chăn nuôi của riêng gia đình đó.
Lúc này, người dân địa phương đang mong chờ UBND huyện Mê Linh vào cuộc, làm rõ có hay không việc nghĩa trang bị xẻ bán và trách nhiệm của các cá nhân có liên quan.
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Long Trần