Trả lời về vấn đề lộ trình mở cửa nền kinh tế, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, hiện nay, việc mở cửa nền kinh tế đã được nước ta thực hiện với rất nhiều Hiệp định thương mại tự do ký kết. Tuy nhiên, do dịch COVID-19, dẫn đến việc nền kinh tế gặp nhiều khó khăn và xảy ra các vấn đề như hàng hóa thiếu container để vận chuyển…
Về vấn đề này, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải giải quyết để nâng cao chất lượng các hãng tàu biển Việt Nam nhằm gắn kết các chuỗi đứt gẫy trong thương mại hàng hóa.
Để làm rõ hơn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay, về mặt nhiệm vụ, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ quản phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tựu chung lại là nhiệm vụ xây dựng hỗ trợ giải pháp tốt nhất cho nền kinh tế, cho các doanh nghiệp, các đối tượng khi bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trong 2021. Trong báo cáo đánh giá, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng báo cáo với Chính phủ lộ trình năm 2021, tình hình COVID-19 rất phức tạp và tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta, và còn kéo dài thêm một số năm sau đó.
Các giải pháp trực tiếp để hỗ trợ nền kinh tế cần phải có được nghiên cứu chi tiết, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, phù hợp với các hoàn cảnh cụ thể của năm 2021, đòi hỏi phải theo dõi, giám sát, nắm bắt tình hình thường xuyên, liên tục, chặt chẽ, lúc đó mới đề ra được giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, còn phải căn cứ vào các điều kiện về nguồn lực, cũng như cách thức triển khai các giải pháp đã đề ra.
"Chúng tôi nhận nhiệm vụ triển khai do Thủ tướng Chính phủ giao. Chúng tôi sẽ kết hợp với các bộ, ngành trên cơ sở nắm bắt tình hình tác động của COVID-19 và các khó khăn của nền kinh tế, có thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất với các thông tin có tính khả thi cao. Do vậy, để trả lời thời điểm nào có gói hỗ trợ kinh tế lần thứ hai này, áp dụng ra sao, quy mô, phạm vi thế nào, tại thời điểm này chúng tôi chưa thể trả lời chi tiết được. Đến thời điểm chín muồi, hoàn tất nghiên cứu, chuẩn bị thì sẽ thông tin, báo cáo với các nhà báo", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng thông tin thêm vấn đề mở cửa vận tải hành khách. Việc này hiện nay phụ thuộc nhiều yếu tố như diễn biến dịch COVID-19 hiện vẫn phức tạp, chưa khẳng định tiêm vaccine trong năm 2021 để đảm bảo an toàn trên toàn thế giới… và đây là câu chuyện rất lớn. Mặc dù năm 2020, sau một thời gian mở lại một số đường bay nhất định như do diễn biến phức tạp của COVID-19 nên đã phải tạm dừng.
Vì vậy, vấn đề về vận chuyển hành khách phải có bước đi thận trọng và đảm bảo an toàn. Lộ trình về ngày giờ vẫn phải có cân nhắc và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo an toàn cho người dân.
Về vấn đề thực hiện và lộ trình chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, ý nghĩa chuyển đổi số quốc gia không chỉ ở phạm vi cơ quan nhà nước mà còn ở các doanh nghiệp, áp dụng kỹ thuật số, công nghệ số… Đây là điều kiện tiên quyết để Việt Nam có sức bật trong năm tới và giai đoạn tới. Nếu không tận dụng được thì nền kinh tế có sự tụt hậu.
Bộ kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất từ năm 2021 sẽ có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số để các doanh nghiệp có khả năng bắt kịp chương trình chuyển đổi số quốc tế và có sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước cùng lớn mạnh khắc phục hạn chế trong thời gian qua "doanh nghiệp nhỏ nhưng không lớn".
Thông tin thêm về nội dung này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, tiến tới hoàn thiện thể chế và nâng cao thực hiện chương trình, Chính phủ điện tử tiến tới xử lý các vấn đề các cơ quan nhà nước kết nối 4 cấp và điện tử hóa, số hóa, bảo mật thông tin và thay vì hồ sơ giấy nay lưu giữ điện tử. Các văn bản điện tử sẽ đều có giá trị pháp lý.
Trúc Mai