Mở rộng dịch vụ công

Theo Cục Công nghệ thông tin và thống kê (Tổng cục Hải quan), đến nay, đã có 126/178 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan được cung cấp tối thiểu mức độ 3 trên môi trường mạng. Trong đó, 123 thủ tục được cung cấp ở mức độ 4 (mức độ cao nhất về dịch vụ công trực tuyến).

Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan Lê Đức Thành cho biết, mỗi năm, ngành xử lý trên 12 triệu hồ sơ trên môi trường điện tử, thông qua các hệ thống Thông quan tự động VNACCS/VCIS, Cổng thanh toán điện tử, Dịch vụ công trực tuyến HQ36a... Riêng Hệ thống HQ36a triển khai từ ngày 1/3/2017, đến nay đã tiếp nhận và xử lý hơn 73.000 bộ hồ sơ với sự tham gia của gần 11.800 cá nhân, DN.

Trong năm nay, Tổng cục Hải quan tiếp tục mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tối thiểu mức độ 3 cho 42 thủ tục. Như vậy, số lượng thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan được cung cấp dịch vụ công trực tuyến tối thiểu mức độ 3, sẽ nâng lên 168/178 thủ tục (tương đương 94%).

Mở rộng dịch vụ hải quan trực tuyến: Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp - Hình 1

Ngành hải quan đang chủ động tháo gỡ khó khăn cho DN

Cũng theo ông Thành, 10 thủ tục còn lại chưa được đưa lên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến là do, nếu triển khai trên môi trường điện tử sẽ không mang lại hiệu quả. Chẳng hạn, thủ tục “xét miễn thuế đối với trường hợp hàng nhập khẩu chuyên dùng trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng (nguồn vốn ngân sách địa phương) chỉ được xét miễn thuế nếu thuộc loại trong nước chưa sản xuất được”.

Đây là thủ tục do Bộ Quốc phòng trực tiếp chuyển hồ sơ tới Tổng cục Hải quan, trong đó có các thành phần hồ sơ ở chế độ “mật”, nếu triển khai trên môi trường điện tử, sẽ không hiệu quả.

“Trực tuyến” giám sát hải quan

Để việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến đi vào thực chất, qua đó chủ động tháo gỡ khó khăn cho DN, theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, hiện vẫn còn một số vướng mắc cần được cơ quan chức năng tháo gỡ.

Đó là kết quả do cơ quan hải quan xử lý, trả cho người dân và DN, nhưng chưa được cơ quan chức năng khác chấp nhận. Đơn cử, trường hợp Tổng cục Hải quan ban hành quyết định cho một DN được thành lập kho ngoại quan. Quyết định được ký số và chuyển cho DN thông qua dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, nếu DN cần giao dịch với cơ quan chức năng và có yêu cầu xuất trình quyết định thành lập kho ngoại quan của cơ quan hải quan, việc cung cấp quyết định dựa trên văn bản được kết xuất từ hệ thống, sẽ khó được cơ quan chức năng khác chấp nhận.

Bên cạnh đó, để thực hiện tốt hơn dịch vụ công trực tuyến, công tác tuyên truyền, tập huấn cho DN, người dân trong năm 2018 cũng cần phải được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng.

Song song với đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát chặt chẽ các đơn vị, nhất là các cục hải quan trong quá trình thực hiện. Khi phát hiện có thủ tục bị xử lý chậm, muộn, chưa đúng quy trình, quy định…, Phòng Quản lý cổng thông tin điện tử hải quan (Tổng cục Hải quan) sẽ gọi điện trực tiếp tới bộ phận chức năng ở các địa phương để việc giải quyết thủ tục được thực hiện kịp thời.

Ông Thành cũng cho biết đang tích cực phối hợp với các cục hải quan, đơn vị chức năng triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động, bảo đảm trong năm 2018 sẽ hoàn thành trên phạm vi cả nước nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước về hải quan.

Hiện nay, hệ thống quản lý hải quan tự động đã được triển khai tại 4 cục hải quan, gồm Hải Phòng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu). Sau hơn 4 tháng triển khai tại khu vực cảng Hải Phòng (từ 15/8/2017 đến đầu năm 2018), hệ thống đã quản lý, giám sát hơn 1,7 triệu container hàng hóa xuất nhập khẩu. Tại Cục Hải quan Hà Nội, hệ thống được triển khai với 3 DN kinh doanh kho, bãi...

Nhận xét về nỗ lực cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan thời gian qua, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương chia sẻ: “Là một Việt kiều về nước đầu tư đã 33 năm, DN cảm nhận rõ nét sự thay đổi vượt bậc của ngành hải quan. Hàng năm, số nộp ngân sách của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương rất lớn. Tính riêng năm 2017, chúng tôi đóng góp trên 1.900 tỷ đồng thuế nhập khẩu cho NSNN.

Năm qua, cái thay đổi lớn nhất là cơ quan hải quan đã áp dụng quản lý hiện đại, soi chiếu hàng hóa tự động, những kiện nào có dấu hiệu vi phạm, sẽ được đánh dấu để kiểm tra thực tế. Chính vì thế, tôi thấy, 99% hành khách xuất nhập cảnh và DN hài lòng. Duy chỉ có người có ý định gian lận, vi phạm, bị giữ lại để kiểm tra thì không “vui”.

Quang Nam