Mở rộng thị trường cho nông sản, thực phẩm, sản phẩm y tế Việt phát triển thị trường Nhật Bản (Ảnh minh họa)Mở rộng thị trường cho nông sản, thực phẩm, sản phẩm y tế Việt phát triển thị trường Nhật Bản (Ảnh minh họa)

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh hàng nông lâm thủy sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng khác và sản phẩm y tế sẽ giới thiệu tới các nhà nhập khẩu Nhật Bản đa dạng các sản phẩm chất lượng của Việt Nam, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng, các chuỗi cung ứng tại thị trường Nhật Bản.

Theo Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi (Bộ Công Thương), thời gian qua, ngành nông sản, thực phẩm của Việt Nam đã có những bước phát triển khởi sắc.

Việt Nam đang trở thành trung tâm cung ứng hàng hóa nông sản, thực phẩm dồi dào ở châu Á cho thế giới. Nhiều sản phẩm của Việt Nam đang được chú trọng cải tiến, nâng cao chất lượng, hình thức và giá trị gia tăng với giá cả cạnh tranh, chắc chắn đáp ứng được tốt hơn các nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của doanh nghiệp và người dân Nhật Bản.

Việc đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản thực phẩm đi kèm với nâng cao năng lực chế biến, đưa thương hiệu hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam ra thế giới nói chung và Nhật Bản nói riêng sẽ góp phần tiếp tục khẳng định vị thế của nông sản Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mở cửa thị trường nông sản.

Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo cam kết của các nước thành viên CPTPP, ngay sau khi hiệp định này có hiệu lực, Nhật Bản xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với một số sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam bao gồm: Cà phê (rang, xay, hòa tan), tiêu, điều và các gia vị khác; một số loại rau hoa quả (hoa tươi, quả nhiệt đới, rau: hành, tỏi, nấm, dưa chuột), sản phẩm hoa quả chế biến, đóng hộp.

Đây là điều kiện thuận lợi và cũng là cơ hội thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực tiềm năng, gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa 2 nước, tăng cường hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, hợp tác trao đổi kinh nghiệm chuyên gia, hợp tác đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới.

Việc tham gia giao thương không chỉ là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cho doanh nghiệp nông sản, thực phẩm mà còn giúp các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng phòng, chống dịch Covid-19 có điều kiện tìm hiểu thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nhật Bản.

PV