Nói về măng rừng có nhiều loại, thế nhưng món măng đắng nổi tiếng tại một số xã thuộc huyện Quế Phong (Nghệ An) đang trở thành đặc sản hút du khách thập phương.
Người mới ăn món măng đắng lần đầu có cảm giác đắng gắt không chịu được. Tuy nhiên, khi nhai kỹ, vị đắng sẽ mất dần thay vào đó là vị ngọt cay nhẹ rất lạ khiến người ăn quen dần sẽ “nghiện”.
Vào mùa măng đắng, người dân hái từ trong rừng về bày bán hai bên đường QL48
Măng đắng Quế Phong có quanh năm nhưng nhiều nhất thường bắt dầu từ tháng 1-3 Âm lịch. Giai đoạn này được coi là mùa măng đắng và mọc nhiều nhất tập trung tại các xã Tri Lễ, Thông Thụ.
Anh Nguyễn Duy Thành, một người dân địa phương cũng là người “nghiện” ăn măng đắng cho biết: “Tại huyện Quế Phong có 4 loại măng gồm: Măng đắng, măng giang, măng nứa và măng hốp đều có thể làm thức ăn của con người. Tuy nhiên, măng đắng vẫn là món măng đứng đầu bảng vì nó sinh sôi sớm nhất trong năm. Mùa của măng đắng bắt đầu từ tháng Giêng kéo dài cho đến hết tháng 3 âm lịch. Loại măng đặc biệt này chỉ khi mọc lên khỏi mặt đất mới chuyển sang đắng chứ nếu mầm cây vẫn còn nằm trong lòng đất thì nó lại rất ngọt và có thể ăn sống được”.
Từ món ăn cứu đói, măng đắng đang trở thành đặc sản khiến nhiều người ăn phải "nghiện"
Ngay nay, măng đắng trở thành món đặc sản khiến nhiều du khách khi đến đây đều mong muốn ăn cho bằng được hoặc mua về cho gia đình, người thân, bạn bè thưởng thức. Để chế biến mắng đặc sản này, người ta có nhiều cách như: Xào mẻ, nấu canh xương, luộc chấm mắm ruốc hay có thể nướng lên chấm muối, ớt.
Những ngày đầu năm Mậu Tuất 2018, người dân địa phương lại nhộn nhịp vào mùa măng đắng. Dọc tuyến đường Quốc lộ 48, đoạn qua Thị trấn Kim Sơn (huyện Quế Phong) măng tươi được người dân hái từ trong rừng về mang ra bày bán dọc hai bên đường. Giá măng đắng đầu mùa, nếu mua tận tay bà con dân bản tầm khoảng 10.000 – 15.000 đồng/1kg. Tuy nhiên, du khách nếu mua qua các thương lái có giá khoảng 20.000 – 25.000 đồng/1kg.
Măng đắng là một phần thu nhập của người dân địa phương huyện miền núi Quế Phong
Trong “bức tranh ẩm thực” của người dân miền Tây Nghệ An, măng rừng là món ăn để cứu đói. Người dân các huyện rẻo cao thường hái măng rừng về ăn trừ bữa thay cho cơm, sắn, khoai khan hiếm. Từ việc lo cho cái bụng khỏi đói, lâu dần người dân thấy lẫn trong vị đắng của măng là vị ngọt và trở thành món ăn không thể thiếu trong các bữa ăn của người dân miền rẻo cao Nghệ An.
Ngày nay, măng đắng đã trở thành thương hiệu đặc sản của người dân Quế Phong được nhiều người ưa chuộng. Măng đắng cũng là nguồn thu nhập của người dân nơi đây.
Lê Quyết