Từ 12/12/2021 mức tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho các khoản tiền gửi được bảo hiểm được nâng từ mức 75 triệu đồng lên mức 125 triệu đồng.
Từ 12/12/2021 mức tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho các khoản tiền gửi được bảo hiểm được nâng từ mức 75 triệu đồng lên mức 125 triệu đồng

Chính phủ vừa ban hành Quyết định 32/2021/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi. Theo đó, mỗi cá nhân gửi tiền tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi sẽ là 125 triệu đồng. 

Như vậy, số tiền bảo hiểm tiền gửi tăng 50 triệu đồng so với quy định tại Quyết định số 21/2017 khi số tiền trả bảo hiểm là 75 triệu đồng. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/12/2021.

Đối với các khoản tiền gửi đã phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm nhưng chưa được chi trả theo quy định tại luật Bảo hiểm tiền gửi trước ngày 12/12/2021, hạn mức trả tiền bảo hiểm thực hiện theo quy định tại Quyết định số 21/2017 về hạn mức trả tiền bảo hiểm.

Tính đến 30/9, tổng tài sản của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đạt 79.342 tỷ đồng, trong đó Quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt 73.615 tỷ đồng, tăng 16,99% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến cuối năm 2021, tổng tài sản của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đạt 81.927 tỷ đồng, trong đó Quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt khoảng 75.899 tỷ đồng. Năng lực tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đủ đáp ứng chi trả ngay lập tức trong trường hợp phát sinh nghĩa vụ chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền với quy mô nhỏ. Nguồn vốn của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam vẫn đang tiếp tục được quản lý và phát triển một cách an toàn, hiệu quả, đảm bảo tính thanh khoản.

Hiện nay, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang bảo vệ cho tiền gửi của người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (bao gồm 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô).

Phương Thảo