Tàu khảo sát Địa Chất Hải Dương 8 của Trung Quốc
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 22/4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói Trung Quốc đang lợi dụng bối cảnh thế giới tập trung ứng phó đại dịch Covid-19 để thực hiện "hành vi khiêu khích" nhằm gây áp lực đối với Hong Kong, Đài Loan và bắt nạt các nước láng giềng ở Biển Đông.
“Chúng ta đã thấy Trung Quốc đang gia tăng áp lực quân sự lên Đài Loan và các nước láng giềng ở Biển Đông, thậm chí họ còn đi xa tới mức đâm chìm tàu cá của Việt Nam", ông Pompeo nói đồng thời nhấn mạnh “Mỹ kịch liệt phản đối hành vi bắt nạt của Trung Quốc và hy vọng các nước khác sẽ yêu cầu Trung Quốc phải chịu trách nhiệm”.
Ngoại trưởng Mỹ cũng tiết lộ ông sẽ đồng chủ trì với Bộ trưởng Ngoại giao Lào một cuộc điện đàm với các nước thành viên ASEAN.
Ông Pompeo cũng lưu ý, theo yêu cầu của Đạo luật cấp thẩm quyền quốc phòng quốc gia 2019, Mỹ đang phát triển các chính sách thực thi lệnh cấm sử dụng các thiết bị của Huawei và các hãng không được tin tưởng khác tại các cơ sở của Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo
Ông Pompeo nhấn mạnh dữ liệu đầu vào của các cơ sở ở Mỹ sẽ phải được truyền dẫn và trung chuyển qua các hệ thống đáng tin cậy.
Mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 18/4 cũng bày tỏ lo ngại về các thông tin liên quan đến hoạt động gây hấn của Trung Quốc nhắm tới các cơ sở dầu khí tại các vùng biển tranh chấp và yêu cầu Trung Quốc ngừng “lối hành xử ức hiếp” ở Biển Đông.
Động thái này của Mỹ được đưa ra sau khi có nhiều thông tin liên quan tới việc tàu khảo sát Địa Chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đã truy đuổi một tàu thăm dò do công ty dầu khí nhà nước Petronas của Malaysia vận hành trong vùng lãnh hải của nước này.
Dữ liệu của Marine Traffic, trang web chuyên theo dõi tàu, cho thấy tàu Địa Chất Hải Dương 8 ngày 18/4 vẫn ở trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) Malaysia.
Trước đó, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ hồi đầu tháng 4 cũng đã ra tuyên bố lên án hành động của Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho rằng đây là vụ việc mới nhất trong một loạt hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định những tuyên bố hàng hải trái pháp luật và gây thiệt hại cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông”.
Bà Ortagus cũng liệt kê một loạt hành động của Trung Quốc nhằm xác lập các yêu sách biển bất hợp pháp ở Biển Đông kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, như lập “các trạm nghiên cứu” ở Đá Chữ Thập và Đá Xu Bi, hạ cánh máy bay quân sự chuyên dụng ở Đá Chữ Thập và triển khai dân quân biển đến quần đảo Trường Sa.
Bộ Quốc phòng Mỹ thì khẳng định hành vi của Trung Quốc trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, trong đó tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều được bảo đảm chủ quyền, không bị ép buộc và có quyền phát triển kinh tế phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực quốc tế.
Đồng thời, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ nỗ lực của các đồng minh và đối tác nhằm đảm bảo tự do hàng hải và cơ hội kinh tế trong toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Theo vietnamfinance