Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn cho biết năm 2018, thiên tai xảy ra liên tiếp trên các vùng miền cả nước với 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 14 trận lũ quét, sạt lở đất; 4 đợt rét đậm, rét hại; 30 đợt mưa lớn trên diện rộng; lũ lớn tại thượng nguồn sông Cửu Long, triều cường vượt mốc lịch sử tại các tỉnh Nam Bộ...
"Tính đến ngày 20/12, thiên tai gây thiệt hại về kinh tế ước tính 20.000 tỷ đồng, làm 218 người chết và mất tích", ông Nguyễn Trường Sơn nói.
Ngoài công tác chỉ đạo điều hành thường xuyên để ứng phó với thiên tai, Tổng cục còn tham mưu trình Thủ tướng quyết định hỗ trợ các địa phương khu vực phía Bắc 1.135 tỷ đồng khắc phục hậu quả sau thiên tai, hỗ trợ 6.300 tỷ đồng và 36 triệu USD (vốn ODA) khắc phục khẩn trương các công trình đê điều, xử lý sạt lở đồng bằng sông Cửu Long, xói lở bờ biển và bồi lấp cửa sông miền Trung.
Năm 2018, thiên tai làm 218 người chết và mất tích. (Ảnh minh họa)
Tổng cục Phòng chống thiên tai bước đầu ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác dự báo, cảnh báo đạt hiệu quả cao, huy động nhiều nguồn lực từ tổ chức trong nước và quốc tế cho công tác ứng phó khẩn cấp và khắc phục hậu quả sau thiên tai.
Đồng thời xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo chuyên dùng; công cụ cảnh báo mưa vượt ngưỡng cho các tỉnh miền núi; ứng dụng công nghệ viễn thám trong công tác quản lý đê điều; Xây dựng và áp dụng thử nghiệm ứng dụng hệ thống "đê mềm" tại tỉnh Nam Định, đập Geotube ngăn mặn, giữ ngọt tại tỉnh Bến Tre.
Tuy nhiên, Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng chỉ ra một số hạn chế như: Thiệt hạn còn lớn, công tác khắc phục hậu quả một số nơi chưa kịp thời, nhận thức của chính quyền các cấp, người dân chưa chủ động, công tác dự báo, cảnh báo chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là dự báo mưa định lượng, lũ quét, sạt lở đất...
Hằng Vương (t/h)