Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2023), chiều 16/12, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đồng tổ chức Diễn đàn Hợp tác lao động Việt Nam - Nhật Bản.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hợp tác Việt Nam và Nhật Bản trải qua 50 năm phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng, cung cấp viện trợ ODA lớn nhất, đứng thứ hai về hợp tác lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ tư về thương mại.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh VGP.

Định hướng hợp tác lao động Việt Nam - Nhật Bản thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu hoạt động tuyển dụng và phái cử lao động có kỹ năng, có trình độ để bắt kịp sự phát triển của thời đại ở một số lĩnh vực ngành nghề Nhật Bản có thế mạnh như bán dẫn, công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ trong nông nghiệp…..  Đồng thời hình thành lực lượng lao động được đào tạo thông qua làm việc thực tế tại Nhật Bản, góp phần phát triển ngành nghề đó tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, các cơ quan chức năng của Nhật Bản giải quyết các vấn đề vướng mắc nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động hợp tác lao động giữa hai bên.

Đối với các thực tập sinh, lao động Việt Nam đang làm việc và học tập tại Nhật Bản, Thủ tướng mong muốn và tin tưởng sẽ tận dụng tốt cơ hội sống và làm việc tại Nhật Bản, học tập được nhiều kiến thức và kỹ năng của một đất nước phát triển, học tập phong cách và thái độ làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp và đức tính tốt đẹp của con người Nhật Bản để sau này khi trở về Việt Nam sẽ trở thành những doanh nhân, những người lao động có kỹ năng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2023 ghi dấu số lượng lao động Việt Nam cao nhất từ trước đến nay về cả số lượng người đi hàng năm sang Nhật Bản (dự kiến khoảng 85.000) và cả số lượng đang làm việc tại Nhật Bản (trên 300.000 người).

“Hợp tác lao động Việt Nam - Nhật Bản phát triển một cách nhanh chóng, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực bao gồm đưa lao động sang Nhật Bản, với các chương trình: Thực tập sinh kỹ năng, trong đó có chương trình phi lợi nhuận của IM Japan; lao động đặc định; lao động (kỹ sư/phiên dịch); điều dưỡng, hộ lý theo EPA); giáo dục nghề nghiệp; an sinh xã hội.

Khẳng định tiềm năng hợp tác còn rất lớn trong thời gian tới, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp của các cơ quan hữu quan để hợp tác lao động giữa Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục phát triển, xứng tầm với mối quan hệ gắn bó chặt chẽ và sâu rộng của hai quốc gia”, ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà đại diện người lao động và thực tập sinh Việt Nam tham dự Diễn đàn. Ảnh VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà đại diện người lao động và thực tập sinh Việt Nam tham dự Diễn đàn. Ảnh VGP.

Tại Diễn đàn, đại diện các Bộ, ngành liên quan và các tổ chức, doanh nghiệp của hai nước cũng đã cập nhật, chia sẻ các thông tin về tình hình hợp tác lao động trong các lĩnh vực cụ thể, các khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị có liên quan, hướng tới thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia và bảo vệ tốt hơn quyền của người lao động Việt Nam tại Nhật Bản.

Diễn đàn Hợp tác lao động Việt Nam - Nhật Bản thu hút hơn 100 nghiệp đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản, gần 100 doanh nghiệp Việt Nam và gần 200 thực tập sinh, lao động Việt Nam, đại diện cho hơn 300.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản.

Được biết, hợp tác lao động Việt Nam - Nhật Bản đã thực hiện từ năm 1992, đến nay đã có trên 500.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo các chương trình: Thực tập kỹ năng; lao động đặc định; đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (EPA); lao động là kỹ thuật viên, phiên dịch viên.

Minh An(t/h)