Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, sau khi hai nước chính thức nâng tầm quan hệ Việt Nam - Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện, sẽ tạo cơ hội chưa từng có để khởi động những lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá.
Nâng tầm hợp tác sẽ đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị cho ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số, hệ sinh thái bán dẫn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo... Về phía Mỹ cũng rất quan tâm đến những lĩnh vực hợp tác mới này của 02 bên, nhất là lĩnh vực công nghệ cao, chất bán dẫn và sản xuất chip.
Đại diện Tiểu bang Oregon cho biết, Việt Nam và Oregon có nhiều cơ hội hợp tác với nhau ở lĩnh vực này. Trước mắt là hợp tác về chuỗi cung ứng chất bán dẫn và sản xuất chip, vì tiểu bang có thế mạnh về lĩnh vực này. Sang năm 2024, hai bên có thể hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, năng lượng tái tạo… Tại đây, doanh nghiệp Mỹ cho biết, đang muốn đa dạng chuỗi cung ứng về bán dẫn. Họ quan tâm hệ sinh thái này của Việt Nam, nguồn lực lao động, khoáng sản…đáp ứng cho lĩnh vực này.
Về nguồn nhân lực cho lĩnh vực bán dẫn và sản xuất chip, ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc điều hành FPT, Tập đoàn FPT cho biết, định hướng FPT không chỉ đào tạo nguồn lực cho Việt Nam, mà còn đưa sang làm việc tại một số nước như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và Châu Âu. Hiện nay, trường đại học FPT vừa mở khoa Công nghệ bán dẫn và hợp tác với các trường đại học của Mỹ để đào tạo.
“Hiện tại FPT đang trao đổi với các trường Đại học ở Mỹ tập trung đào tạo 02 ngành sản xuất và thiết kế. FPT đưa chương trình giảng dạy theo chuẩn quốc tế của các nước khác về đào tạo cho sinh viên Việt Nam. Bên cạnh đó, FPT còn đào tạo thêm ngoại ngữ cho sinh viên ngành này với 03 ngôn ngữ là tiếng Anh, Nhật, Hàn”, ông Quang cho biết.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ. Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đạt gần 139 tỷ USD. Mỹ đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư vào Việt Nam với hơn 1.300 dự án, tổng số vốn đăng ký là 11,8 tỷ USD. Riêng 10 tháng qua, có 96 dự án mới của Mỹ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư 513 triệu USD.
Trước đó, chiều ngày 18/09, theo giờ địa phương, tại San Francisco, Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp đoàn chính trị gia và doanh nghiệp bang Oregon do ông Vince Porter, Chánh văn phòng phát triển kinh tế bang Oregon dẫn đầu.
Là bang có nhiều công ty, tập đoàn lớn đầu tư ở Việt Nam, có cộng đồng người Việt thành công, Thủ tướng khuyến khích Oregon và Việt Nam thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư để khai thác hiệu quả tiềm năng và dư địa hợp tác; mong muốn tăng cường hợp tác về giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như trong một số ngành mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, chống biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.
Chánh văn phòng phát triển kinh tế bang Oregon Vince Porter cùng đoàn cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dành thời gian tiếp, cho biết quan hệ giữa Oregon và Việt Nam phát triển mạnh mẽ trên cơ sở Ý định thư về hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và bang Oregon, trong đó phải kể đến thành công của chuyến thăm Việt Nam của Thống đốc bang Oregon Katherine Brown vào tháng 11/2022.
Ông Vince Porter trân trọng nhắc lại lời mời của Thống đốc mới của bang Oregon Tina Kotek mời Thủ tướng Phạm Minh Chính sớm thăm bang Oregon và khẳng định bang Oregon muốn củng cố và mở rộng quan hệ với Việt Nam, đặc biệt là quan hệ với các địa phương của Việt Nam.
Hải Dương (t/h)