Năm 2024, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư đã tăng chóng mặt, hầu hết các dự án mới ra mắt đều có giá trên 70 triệu đồng/m2 (năm 2022 là khoảng 40-50 triệu đồng/m2).
Theo Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, khuyến cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chỉ ra, giá trung bình của một căn hộ 2-3 phòng ngủ không được cao hơn 30 năm thu nhập của một người lao động. Nếu người lao động có thu nhập trung bình phải dành ra trên 30 năm tiền lương mới mua được căn hộ 2-3 phòng ngủ, thì có nghĩa là thị trường bất động sản (BĐS) có dấu hiệu "bong bóng". Thế nhưng ở Việt Nam, giá nhà đã vượt quá 30 năm thu nhập từ rất lâu rồi.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia nhìn nhận, giá nhà tại Việt Nam đang cao hơn rất nhiều so với các nước khác. Dẫn khảo sát mới nhất của một tổ chức chuyên nghiên cứu về BĐS, Tiến sỹ Lực cho biết, một hộ gia đình có thu nhập trung bình phải mất 23,5 năm đi làm mới có thể mua được nhà, trong khi bình quân của thế giới là 14 năm.
Đáng chú ý khi Tiến sỹ Lực phân tích, thị trường BĐS chững không hẳn do thiếu vốn. Tín dụng BĐS tính đến hết tháng 9/2024 đã tăng 9,15% so với cuối 2023, cao hơn so với bình quân toàn thị trường. Trong đó, cho vay chủ đầu tư tăng 16%, cho vay mua nhà chỉ tăng khoảng 4,6%. "Vấn đề mấu chốt ở đây không phải là vốn mà là giá nhà tăng quá cao, người dân chưa sẵn sàng vay tiền để mua", Tiến sỹ Lực nói.
Giá nhà quá cao làm cho nhiều người, nhất là người trẻ phải từ bỏ ước mơ "an cư lập nghiệp". Đây là một vấn đề rất lớn và nan giải đối với công tác an sinh xã hội. Thách thức về nhà ở sẽ càng trầm trọng hơn nếu nguồn cung mới được định giá ngày càng cao một cách phi lý, không tương xứng với giá trị thật và ngày càng vượt xa khả năng chi trả của số đông người dân.
Còn theo đại diện Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), giá nhà ngày càng tăng cao kéo theo giá thuê nhà ở cũng tăng cao, gây áp lực đến chi phí sinh hoạt của người dân. Kể cả phải "cày ngày, cày đêm" thì cũng rất khó có tiền để mua nhà. Tiền thuê nhà, sinh hoạt hàng tháng "nuốt" gần hết lương khiến nhiều người trẻ "ngại cưới, lười sinh".
Theo ông Cấn Văn Lực, một trong những giải pháp tốt nhất là phải tăng được nguồn cung nhà ở, nhất là nguồn cung nhà ở xã hội. Đặc biệt là cần tháo gỡ, giải quyết nhanh các dự án BĐS còn vướng mắc, tồn đọng hoặc bỏ hoang trong nhiều năm qua.
"Sơ bộ, chỉ tính riêng số lượng các dự án tại Đà Nẵng đã lên tới tầm 200.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 8 tỷ USD. Nếu giải tỏa được, nguồn cung sẽ cực kỳ lớn, chủ đầu tư cũng sẽ bán với giá hấp dẫn hơn", Tiên sỹ Lực nhấn mạnh đồng thời cho rằng cần sớm thiết lập một cơ sở dữ liệu về đất đai, BĐS, nhà ở đồng bộ nhằm minh bạch hoá thị trường BĐS, vì hiện tại, có rất nhiều thông tin, số liệu khác nhau về thị trường này.
Với góc nhìn lạc quan, Tiến sỹ Lực nhận định, có nhiều chính sách mới đã đi vào cuộc sống. Về cơ bản, chúng ta đang trong trạng thái tích cực. Theo Luật Kinh doanh BĐS, sắp tới, Chính phủ sẽ tiếp tục can thiệp để giá BĐS phù hợp hơn cho cả người mua lẫn người bán.
Ngược lại, Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nguồn cung có tăng lên thì giá nhà cũng khó giảm, hay nói cách khác nhà ở xã hội và nhà giá rẻ thì giá nhà sẽ tăng chậm lại chứ không thể giảm.
Thu Trang (t/h)