Dự phiên khai mạc có: Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, Phạm Đình Nghị; các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh; các đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XV, đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các huyện, thành phố.

Chủ tọa kỳ họp
Chủ tọa kỳ họp

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định, Lê Quốc Chỉnh nhấn mạnh:

Tại Kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ tập trung xem xét, quyết định 07 nhóm vấn đề gồm: Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; xem xét các nội dung do Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các ban HĐND tỉnh và các cơ quan tư pháp trình; xem xét kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, kết quả thực hiện của người trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ mười hai và kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh; tiến hành phiên thảo luận, phiên chất vấn và trả lời chất vấn; thảo luận, xem xét thông qua các nghị quyết thuộc thẩm quyền; thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu và một số nội dung quan trọng khác.

Những nội dung trên là những vấn đề lớn, có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh, xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định đề nghị, các đại biểu HĐND tỉnh và các đại biểu tham dự kỳ họp nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, tập trung trí tuệ, dành thời gian nghiên cứu tài liệu, thảo luận thẳng thắn, đóng góp thiết thực vào các báo cáo, tờ trình, đề án, xem xét, thông qua các Nghị quyết đảm bảo chất lượng, có tính khả thi cao và nhanh chóng đi vào cuộc sống, đáp ứng niềm tin, sự mong đợi của cử tri, góp phần quan trọng để kỳ họp thành công tốt đẹp. 

Tại Kỳ họp, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định, Trần Anh Dũng đã báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 trong điều kiện gặp nhiều khó khăn thách thức. Dưới sự lãnh đạo toàn diện, sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, chủ động, hiệu quả của UBND tỉnh, sự đồng hành, giám sát, phối hợp chặt chẽ của HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ và các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận, tham gia tích cực của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp…, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định, phát triển so cùng kỳ và đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

Theo đó, 12/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Trong đó, tổng sản phẩm GRDP tăng 10,19% (đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, cao hơn mức tăng chung của cả nước); thu ngân sách Nhà nước ước tăng 25% so năm 2022.

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển; công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tiếp tục được đặc biệt quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Đến nay toàn tỉnh có 191/204 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 93,6%) và 25/188 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 13,3%).

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hệ thống giao thông huyết mạch, các khu, cụm công nghiệp. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được triển khai sôi động và đã đạt được những tín hiệu rất tích cực, nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm, đầu tư tại Nam Định.

Các đại biểu tại kỳ họp
Các đại biểu tại kỳ họp

Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước được nâng lên, công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số tiếp tục được quan tâm triển khai và đạt được kết quả tích cực. Lãnh đạo tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022 - 2025, theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, đảm bảo sát thực tế, đúng tiến độ.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm, đạt được nhiều kết quả, an sinh xã hội được đảm bảo. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Trên cơ sở đánh giá, dự báo tình hình, những khó khăn, thuận lợi, UBND tỉnh xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trong đó, đặt ra mục tiêu phấn đấu:

Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP (giá so sánh) tăng từ 9,5-10,5%; cơ cấu kinh tế: nông - lâm nghiệp và thuỷ sản 16,0%, công nghiệp - xây dựng - dịch vụ 84,0%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng từ 14,5% trở lên; giá trị xuất khẩu đạt từ 3.300 triệu USD trở lên; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 18% trở lên; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt trên 12.030 tỷ đồng; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 93,55% trở lên; có thêm 07 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 03 huyện đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó, 01 huyện cơ bản đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong phiên họp buổi sáng, HĐND tỉnh đã nghe thường trực HĐND tỉnh báo cáo: Kết quả công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024; kết quả giám sát 02 chuyên đề: Việc quản lý, sử dụng đất đối với các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2016 - 2023 và công tác quản lý, khai thác và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2018 - 2022.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thông báo về hoạt động của MTTQ tham gia xây dựng chính quyền năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thông báo kết quả kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV; Tổng hợp trả lời của các bộ, ngành Trung ương đối với các kiến nghị của cử tri tỉnh Nam Định, từ kỳ họp thứ năm của Quốc hội; các báo cáo kết quả hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024...

Nguyễn Kiên