Chính quyền sở tại có “làm ngơ” trước các sai phạm?
Viện Quản lý và Phát Triển Châu Á- AMDI được biết đến là một tổ chức khoa học công nghệ, thực hiện sứ mệnh tư vấn giáo dục và đào tạo nghiên cứu về quản lý và phát triển nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…Tháng 1 năm 2011, UBND huyện Từ Liêm đã cấp giấp phép xây dựng trên nền diện tích 22.209 m2 tại xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Tại thời điểm đó chủ đầu tư cho biết dự án có mức đầu tư lên tới 500 tỷ với nhiều hạng mục công trình được thiết kế theo phong cách hiện đại… Ngay sau đó dự án đã nằm án binh bất động cho tới tận đầu năm 2019 mới bắt đầu xây dựng và không xin giấy phép mới. Dự án không triển khai gần chục năm như vậy tại sao lại không có trong danh sách thu hồi các dự án chậm tiết độ của thành phố Hà Nội. Câu hỏi được đặt ra ở đây là UBND quận Nam Từ Liêm có báo cáo lên cấp trên hay không, nội dung báo cáo cụ thể như thế nào mà UBND thành phố Hà Nội không đưa ra quyết định thu hồi theo quy định?
Dự án do Viện Quản lý và Phát Triển Á Châu - AMDI làm chủ đầu tư chậm tiến độ gần 10 năm.
Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của bạn đọc, phóng viên đã có mặt tại hiện trường dự án xây dựng trụ sở trung tâm đào tạo nguồn nhân lực quản lý của Viện Quản lý và Phát Triển Châu Á- AMDI. Ghi nhận thực tế của PV cho thấy công trình này đang được xây dựng và đã xây vượt 3 tầng so với bản qui hoạch phân khu 2015.
Để rộng đường dư luận, ngày 06/6/2019, PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Tiến Dũng – chủ tịch UBND phường Phương Canh, ông cho biết: “Dự án được cấp phép từ năm 2011, sau khi được cấp phép chủ đầu tư đã có văn bản thông báo khởi công và họ đã thi công một số hạng mục như san lấp mặt bằng, làm tường rào, sau đó thì họ dừng. Đến năm 2019, tôi mới lại nhận được thông báo tiếp tục thi công và tôi cũng đã có công văn gửi lên quận xin ý kiến đối với dự án này ”.
Ngày 11/6/2019, trao đổi với PV, đại diện của Viện Quản lý và Phát Triển Châu Á cho biết: “sếp tôi chỉ đạo toàn bộ hồ sơ giấy tờ của dự án không được cung cấp cho ai, chị có thể xem qua tại văn phòng chứ không được cầm về và không được chụp ảnh tài liệu”. Sau đó vị đại diện này có đưa cho PV xem một số giấy tờ là bản phô tô chứ không phải bản chính. Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao bên chủ đầu tư lại không cung cấp hồ sơ tài liệu cho báo chí?
PV tiếp tục có buổi làm việc với một chuyên viên phòng cấp phép của Sở xây dựng Hà Nội. Khi được yêu cầu cung cấp hồ sơ giấy tờ của dự án, chuyên viên này cho biết: “Tôi chưa thấy hồ sơ tài liệu gì của dự án này trên Sở, tôi cũng đã kiểm tra trên hệ thống nhưng cũng không thấy gì”.
Việc chính quyền UBND quận Nam Từ Liêm vẫn cho AMDI xây dựng công trình không có giấy phép mới theo bản qui hoạch phân khu 2015 đã là điều khó hiểu, còn để công trình vượt qui hoạch thì càng khó hiểu hơn. Vậy trong suốt thời gian chủ đầu tư xây dựng hạng mục công trình đó chính quyền sở tại có kiểm tra?
Cần xử lý dứt điểm vi phạm tồn đọng
Trong phiên giải trình về kết quả thực hiện thông báo kết luận chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND thành phố (khóa 15) về công tác quản lý trật tự xây dựng ngày 25/03/2019 của Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, các sai phạm TTXD trên địa bàn chủ yếu ở bốn nhóm: vi phạm ở công trình, dự án thuộc các chủ đầu tư; vi phạm trên đất nông nghiệp; vi phạm xây dựng nhà siêu mỏng siêu méo; vi phạm tại đất rừng phòng hộ. Những vi phạm diễn ra ở nhiều mức độ khác nhau, nhiều công trình gây ra nhiều bức xúc cho cử tri. Trong đó, có nguyên nhân do việc phát hiện vi phạm ở cơ sở không kịp thời, thậm chí có biểu hiện bao che làm ngơ cho những vi phạm của cán bộ cơ sở.
Nêu lên thực trạng vi phạm trên đất nông nghiệp còn diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng, tình trạng này do cán bộ cơ sở buông lỏng quản lý, cấp thành phố thanh tra không kịp thời. Thậm chí, có những trường hợp có dấu hiệu tội phạm như làm giả giấy tờ, hợp pháp hóa sai phạm.
Khẳng định quyết tâm xử lý dứt điểm các vi phạm tồn đọng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiến nghị, cần luật hóa chế tài xử lý đối với các chủ thầu và cá nhân vi phạm TTXD. Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, Công an thành phố sẽ xử lý nghiêm những trường hợp dung túng, tìm cách hợp pháp hóa các công trình vi phạm. Đối với những công trình vi phạm qua các thời kỳ khác nhau, tinh thần của thành phố là cương quyết, không châm chước bất kỳ trường hợp nào.
Viện Quản lý và Phát Triển Châu Á- AMDI là một đơn vị làm về đào tạo, giáo dục mà lại thi công dự án không tuân theo quy định pháp luật của nhà nước thật khó có thể chấp nhận được. Đề nghị UBND thành phố Hà Nội cần chỉ đạo Sở Xây dựng và UBND quận Nam Từ Liêm kiểm tra, kiểm tra xử lý đối với công trình, không cho phép chủ đầu tư hợp thức hóa sai phạm, có như vậy mới có thể ngăn chặn được những sai phạm mới, tránh nhờn luật gây bức xúc trong nhân dân.
Tại điều 11 về gia hạn giấy phép xây dựng, trong nghị định số 64/2012/NĐ-CP, ngày 04/9/2012 có nêu rất rõ: trong thời hạn 30 ngày, trước thời điểm giấy phép xây dựng hết hạn, nếu công trình chưa được khởi công thì chủ đầu tư phải đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng. Mỗi giấy phép xây dựng chỉ được gia hạn một lần. Thời gian gia hạn tối đa không quá 6 tháng. Nếu hết thời gian gia hạn, chủ đầu tư chưa khởi công xây dựng thì phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mới.
Hà Trần
Báo Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!